Ảnh minh họa: Internet |
Điều chỉnh trái thẩm quyền
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chỉ ra một loạt sai phạm khi điều chỉnh tổng mức đầu tư, tổ chức thi công tại Dự án Tuyến metro số 1. Cụ thể, năm 2011, Dự án Tuyến metro số 1 được UBND TP.HCM điều chỉnh tổng mức đầu tư (TMĐT) lên 47.325 tỷ đồng. Theo Kiểm toán Nhà nước, với giá trị này, Dự án trở thành dự án trọng điểm quốc gia (lớn hơn 35.000 tỷ đồng) nên phải trình Quốc hội xem xét theo Nghị quyết 49/2010/QH12 và thẩm quyền quyết định dự án thuộc Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, ở đoạn tuyến đi trên cao của dự án này còn có sự điều chỉnh kiểu dáng dầm từ Super T sang dầm chữ U. Điều này làm tăng giá trị công trình lên 1.420 tỷ đồng, không đảm bảo tính kinh tế và chưa phù hợp nguyên tắc trong hoạt động xây dựng và các trường hợp được điều chỉnh. Liên quan đến việc điều chỉnh kiểu dáng dầm, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) đã trình UBND Thành phố (vào năm 2009) với nội dung không đầy đủ, không hợp lý về kỹ thuật.
Ngoài ra, MAUR đã làm không đúng quy định khi thực hiện Gói thầu CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến Nhà hát Thành phố) thuộc Tuyến metro số 1 khi điều chỉnh thiết kế kỹ thuật, nhưng chưa có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể, tường vây đường hầm Tuyến metro số 1 bị điều chỉnh độ dày từ 2 m xuống còn 1,5 m.
Cách đây 2 tháng, cũng tại TP.HCM, dư luận sục sôi bởi những thay đổi về vật liệu so với thiết kế cơ sở tại dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng của Trung Nam Group. Cụ thể, thép chế tạo cửa van đã được thay đổi từ thép Nhật (thiết kế cơ sở) sang thép Trung Quốc (thực tế thi công) khi chưa được sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền. Ngoài ra, hạng mục cống kiểm soát triều Mương Chuối khi thi công có sai khác so với hồ sơ thiết kế thi công đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và việc tăng dự toán từ 1.400 tỷ lên 2.100 tỷ đồng cần phải được làm rõ.
Hệ lụy khó lường
Những sai phạm xảy ra tại hai dự án trọng điểm nêu trên của TP.HCM đã gây ra nhiều hệ lụy. Đó chính là tiến độ triển khai dự án chậm trễ, không đạt kế hoạch đề ra. Cả hai dự án đều bị dừng, để khởi động lại sau một loạt kết luận nêu trên là vô cùng khó khăn. Thứ hai, sẽ tốn thêm thời gian, chi phí cho việc đánh giá lại những “điều chỉnh” nêu trên.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, việc điều chỉnh hạ độ dày tường vây tại Tuyến metro số 1, MAUR đã thực hiện các khâu tư vấn, thẩm định an toàn thiết kế đầy đủ mới tiến hành. Tuy nhiên, do thẩm quyền điều chỉnh chưa đúng, và trên cơ sở báo cáo của các sở ngành liên quan, hướng xử lý là thuê tư vấn đánh giá toàn diện lại vấn đề này, xem có đủ bảo đảm an toàn như thiết kế ban đầu hay không.
Dự án chống ngập do Trung Nam Group đầu tư đang bị vướng thủ tục giải ngân nên phải ngưng thi công tính đến nay đã hơn 8 tháng. “Để giải quyết được vấn đề này, nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc, đối với vấn đề thép Trung Quốc, TP.HCM sẽ thuê tư vấn độc lập dưới sự giám sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đánh giá chất lượng. Nếu đảm bảo an toàn thì Thành phố ghi nhận và tính toán giá trị, nhưng quan trọng nhất là đảm bảo an toàn”, ông Trần Vĩnh Tuyến khẳng định.
Sau hơn 10 năm khởi động, Dự án Tuyến metro số 1, sử dụng nguồn vốn vay từ Nhật Bản, mới hoàn thành được 56% khối lượng; tiến độ thi công lẫn giải ngân đều rất chậm. Trong thư gửi lãnh đạo TP.HCM, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho biết các doanh nghiệp Nhật sẽ dừng thi công Dự án nếu Việt Nam không thanh toán tiền cho một số hạng mục đã hoàn thành.
Trong khi đó, dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng do tư nhân tham gia cũng đang án binh bất động, công trường phơi sương phơi gió, công nhân, kỹ sư không có việc làm.
Những hệ lụy của việc tự ý điều chỉnh trong thi công đã phản ánh rõ chất lượng quản lý dự án, giám sát thực hiện hợp đồng ngay tại các dự án lớn tồn tại rất nhiều vấn đề. Và hệ lụy của những sai phạm này là khó có thể đong đếm bằng những con số.