Các địa phương cần chủ động bố trí vốn, lựa chọn các dự án phù hợp với quy hoạch, có tính kết nối, có hiệu quả và ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Ảnh: Lê Tiên |
Thanh toán dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản
Theo Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thứ tự ưu tiên thứ nhất trong bố trí vốn là thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) theo đúng quy định (nếu có) và thứ hai là phân bổ đủ vốn để hoàn trả vốn ứng trước kế hoạch nhưng chưa có nguồn để hoàn trả trong kế hoạch ĐTCTH giai đoạn trước (nếu còn).
Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Dự thảo Quyết định) được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) công bố lấy ý kiến mới đây cũng nhấn mạnh vấn đề này. Theo Dự thảo Quyết định, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương nếu vẫn còn nợ đọng XDCB phát sinh trước ngày 1/1/2015 và số vốn ứng trước chưa có nguồn để hoàn trả trong kế hoạch trung hạn giai đoạn trước, phải bố trí đủ vốn kế hoạch đầu tư trung hạn trong từng ngành, từng lĩnh vực để thanh toán dứt điểm nợ đọng XDCB và thu hồi dứt điểm các khoản ứng trước. Phần còn lại mới bố trí theo thứ tự ưu tiên đã quy định. Dự thảo Quyết định cũng nêu rõ, nếu có tăng thu, tiết kiệm chi, sau khi thanh toán dứt điểm số nợ đọng và thu hồi vốn ứng trước mới được phép sử dụng số tăng thu còn lại để bố trí cho các dự án chuyển tiếp và dự án khởi công mới.
Việc bố trí vốn để xử lý dứt điểm nợ đọng XDCB là rất quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho nhiều nhà thầu. Đến cuối năm 2019, số nợ đọng vẫn còn khá lớn. Theo số liệu tổng hợp của các cơ quan trên Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước, trong năm 2019, tuy các cơ quan đã ưu tiên bố trí trả nợ từ nguồn vốn nhà nước nhưng số nợ đọng XDCB vẫn còn 9.529 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT lưu ý các đơn vị cần rà soát, làm rõ số nợ đọng XDCB đến thời điểm hiện nay có thuộc đối tượng được thanh toán theo quy định hay không. Trường hợp phát sinh từ ngày 1/1/2015 trở đi là không phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công.
Rà soát dự án theo đúng thứ tự ưu tiên
Theo Bộ KH&ĐT, khi lập Kế hoạch ĐTCTH giai đoạn 2021 - 2025, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương cần rà soát các dự án đầu tư công dự kiến bố trí trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 theo đúng 6 thứ tự ưu tiên quy định tại Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14. Sau khi bố trí đủ vốn thanh toán nợ đọng XDCB và hoàn trả vốn ứng trước kế hoạch, ưu tiên thứ ba là phân bổ vốn cho dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; vốn cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài (bao gồm cả vốn đối ứng); vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư; dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt; dự án dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch. Thứ tư là phân bổ vốn để thực hiện nhiệm vụ quy hoạch. Thứ năm là phân bổ vốn chuẩn bị đầu tư để lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và lập, thẩm định, quyết định đầu tư chương trình, dự án. Cuối cùng mới là phân bổ vốn cho dự án khởi công mới đáp ứng yêu cầu quy định.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ thuộc Bộ KH&ĐT chia sẻ, kinh nghiệm trong quá trình xây dựng kế hoạch ĐTCTH giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy, các dự án được bố trí vốn để làm trước nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư thì sẽ ít phải điều chỉnh dự án, có chất lượng tốt và giải ngân nhanh; các địa phương tập trung bố trí nguồn vốn chuẩn bị đầu tư ngay từ đầu kỳ kế hoạch trung hạn sẽ có tiến độ thực hiện tốt. Do đó, các địa phương cần chủ động bố trí vốn chuẩn bị đầu tư từ năm 2021 để thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, lựa chọn các dự án phù hợp với quy hoạch, có tính kết nối, tác động liên vùng, có hiệu quả và ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Trong bối cảnh nguồn lực eo hẹp, nhu cầu đầu tư lớn, khi chia sẻ với địa phương, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến việc đầu tư “ra tấm ra món”, dồn vốn đầu tư sớm hoàn thành công trình… Bên cạnh đó, khai thác mọi nguồn lực cho đầu tư, ví dụ đấu giá đất. Đồng thời, dự án nào có thể huy động vốn tư nhân thì chuyển sang mời gọi nhà đầu tư làm, không dùng vốn ngân sách nhà nước.