Tỷ giá tăng do ngân hàng bù trạng thái?
Tuần qua, tỷ giá trung tâm đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng 4 phiên liên tiếp. Tính đến hết tuần, tỷ giá trung tâm tăng tổng cộng 39 đồng/USD so với phiên đóng cửa trước Tết Nguyên đán. Trong khi đó, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng tăng chậm hơn. Tính đến cuối tuần, tỷ giá USD tại một số ngân hàng lớn đã trở về mức niêm yết đầu tuần, trong khi tại một số ngân hàng nhỏ, tỷ giá tăng khoảng 20 đồng/USD.
“Tỷ giá sau Tết tăng nhẹ do một số ngân hàng mua USD nhằm giảm trạng thái ngoại hối âm trước Tết khi lãi suất tiền gửi VND giảm do thanh khoản tốt hơn. Bên cạnh đó, nhu cầu mua thanh toán của các doanh nghiệp cho nhu cầu thanh toán cũng tăng nhẹ”, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc kinh doanh ngoại hối và trái phiếu của HSBC Việt Nam nhận định.
Tuần qua, có thể thấy tỷ giá trung tâm tăng mạnh hơn tỷ giá trên thị trường, thậm chí, một số phiên, tỷ giá trên thị trường giảm bất chấp trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, tỷ giá trung tâm được NHNN đưa ra dựa trên cơ sở tính toán nhiều yếu tố, chứ không chỉ căn cứ cung cầu thị trường. Còn tỷ giá giao dịch của các ngân hàng nhiều phen giảm so với tỷ giá trung tâm cho thấy, thanh khoản ngoại tệ của hệ thống hiện đang dồi dào.
Đồng tình với nhận định này, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho hay, tuần qua, giao dịch ngoại tệ trên thị trường thông suốt, cung cầu không có yếu tố đột biến. “Thanh khoản ngoại tệ trên thị trường hiện rất tốt”, ông Ngô Đăng Khoa khẳng định.
Điểm đáng chú ý sau 2 tháng vận hành cơ chế điều hành tỷ giá mới là tỷ giá lên xuống từng ngày rất khó đoán định. Hơn nữa, dù đóng vai trò định hướng, song tỷ giá trung tâm không có ý nghĩa quyết định việc tăng, giảm của tỷ giá thực tế trên thị trường, vốn chịu tác động bởi nhiều yếu tố như cung cầu, tâm lý… Điều này đã làm giảm đáng kể tâm lý đầu cơ lướt sóng tỷ giá.
Tiếp tục dè chừng tỷ giá
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán MB (MBS), tỷ giá VND/USD tuy có xu hướng tăng mạnh sau Tết Âm lịch, nhưng vẫn ở trạng thái giao dịch bình thường. Trong ngắn hạn, áp lực tăng tỷ giá không quá cao do USD đang trong xu hướng giảm giá trước động thái trì hoãn tăng lãi suất của FED và nhu cầu đầu năm giảm. “Chúng tôi đánh giá NHNN đang hướng tới mục tiêu điều hành tỷ giá theo cơ chế thả nổi có kiểm soát”, MBS nhận định.
Tuy vậy, giới chuyên gia và ngân hàng đều chung nhận định, không thể chủ quan về tỷ giá năm 2016. Ông Ngô Đăng Khoa cho rằng, năm nay, thị trường tài chính và ngoại hối thế giới sẽ còn diễn biến phức tạp do châu Âu và Nhật tiếp tục áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ, trong khi Mỹ đã bắt đầu tăng lãi suất. Kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc nên vẫn tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ và có khả năng tung ra gói kinh thích kinh tế.
Ngoài ra, cầu nội địa Việt Nam đang phục hồi và nhiều khả năng sẽ đẩy nhập siêu tăng lên trong năm 2016, luồng vốn đầu tư gián tiếp (FII) có khả năng giảm nếu quá trình cổ phần hóa chậm lại hoặc không thực chất… cũng là những áp lực với tỷ giá năm nay.
“Năm 2016 được dự báo là một năm có nhiều bất ổn trên thị trường tài chính thế giới. NHNN cần thận trong theo dõi những diễn biến trên thị trường trong nước và thế giới để có những chính sách và điều chỉnh thích hợp để có thể ổn định tỷ giá và góp phần thúc đẩy xuất khẩu và kinh tế phát triển”, ông Ngô Đăng Khoa khuyến cáo.
Hiện lãnh đạo NHNN vẫn liên tiếp tái khẳng định, dù cơ chế tỷ giá mới thị trường hơn, song năm 2016, NHNN vẫn kiên định mục tiêu ổn định thị trường ngoại hối.
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, năm 2016, nếu NHNN ngăn chặn được tình trạng găm ngoại tệ, cung cầu ngoại tệ cơ bản vẫn sẽ dư thừa. Do đó, biến động tỷ giá sẽ không lớn.
Được biết, trước Tết Nguyên đán, NHNN đã mua vào một lượng khá lớn ngoại tệ để bổ sung Quỹ Dự trữ ngoại hối quốc gia, cộng thêm lượng ngoại tệ khá dồi dào từ xuất khẩu, kiều hối, giải ngân vốn FDI… Khả năng ổn định thị trường tỷ giá của NHNN trong năm nay là hoàn toàn khả thi, dù cách trườn bò của tỷ giá sẽ rất khó đoán định.