UNDP khuyến nghị gia tăng hỗ trợ đối tượng dễ bị tổn thương do Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chính phủ có thể xem xét ban hành ngay một chương trình hỗ trợ tiền mặt mới tương đương 5% GDP hàng quý (khoảng 77 nghìn tỷ đồng) để giải ngân trong những tháng cuối năm 2021, nhằm bảo vệ những người dễ bị tổn thương trước cú sốc kinh tế - xã hội lớn do Covid-19 gây ra.
Buổi công bố trực tuyến Báo cáo Đánh giá nhanh về tác động kinh tế - xã hội của Covid-19 đối với các hộ gia đình dễ bị tổn thương ở Việt Nam và Báo cáo Đánh giá nhanh việc thiết kế và thực hiện Gói hỗ trợ thứ hai của Chính phủ cho những người bị ảnh hưởng bởi Covid-19
Buổi công bố trực tuyến Báo cáo Đánh giá nhanh về tác động kinh tế - xã hội của Covid-19 đối với các hộ gia đình dễ bị tổn thương ở Việt Nam và Báo cáo Đánh giá nhanh việc thiết kế và thực hiện Gói hỗ trợ thứ hai của Chính phủ cho những người bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Đây là một trong những khuyến nghị của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) đưa ra tại buổi công bố trực tuyến Báo cáo Đánh giá nhanh về tác động kinh tế - xã hội của Covid-19 đối với các hộ gia đình dễ bị tổn thương ở Việt Nam và Báo cáo Đánh giá nhanh việc thiết kế và thực hiện Gói hỗ trợ thứ hai của Chính phủ cho những người bị ảnh hưởng bởi Covid-19 (26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68/NQ-CP) diễn ra vào ngày 24/9.

Các báo cáo này có sự phối hợp thực hiện của Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (CAF, VASS) và Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Hộ kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề nhất

Kết quả khảo sát của UNDP từ 498 hộ gia đình cho thấy, tác động của dịch bệnh Covid-19 lên nền kinh tế là rất lớn, với 88% hộ gia đình bị ảnh hưởng việc làm vào tháng 7/2021 và 63,5% hộ gia đình bị giảm thu nhập từ 30% trở lên so với thời kỳ trước đại dịch (tháng 12/2019). Các hộ gia đình làm du lịch, nhà hàng, khách sạn và vận tải hành khách bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó lĩnh vực du lịch và dịch vụ liên quan là 99,3%; lĩnh vực sản xuất chế biến chế tạo công nghiệp là 96%; thương mại và bán lẻ là 94%.

Bên cạnh đó, Covid-19 tác động đến lĩnh vực phi kinh tế cũng rất đáng kể. Sức khỏe tâm thần là một vấn đề cấp bách đang nổi lên, vì tình trạng phong toả diễn ra phổ biến và kéo dài. 2/3 (66,4%) hộ gia đình lo lắng về tác động của Covid-19. Đáng chú ý, chủ hộ là nữ có tỷ lệ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần (81,6%) cao hơn so với chủ hộ là nam (62,8%).

Cũng theo kết qủa khảo sát, cắt giảm chi tiêu là biện pháp phổ biến nhất được các hộ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 sử dụng với 4 trong 5 hộ (79,4%) bị ảnh hưởng phải cắt giảm chi tiêu. Hầu hết các khoản cắt giảm chi tiêu liên quan đến thực phẩm, với 71% số hộ gia đình bị ảnh hưởng đã cắt giảm chi phí thực phẩm.

Vì vậy, an ninh lương thực đang trở thành vấn đề khi hơn một nửa số hộ gia đình (51,2%) phải giảm lượng thức ăn mỗi bữa và 17,7% số hộ gia đình giảm số bữa ăn mỗi ngày.

Việc cắt giảm chi phí lương thực và tình trạng thiếu lương thực ghi nhận ở các hộ gia đình dễ bị tổn thương, những người bị sa thải trong nhiều tháng, đặc biệt là người di cư. Tình trạng nghiêm trọng hơn đã được báo cáo ở các hộ gia đình có con nhỏ.

Cần thêm gói hỗ trợ đủ lớn

Theo đánh giá việc thiết kế và thực hiện gói hỗ trợ thứ hai của Chính phủ, 9/10 hộ (89,9%) vẫn chưa nhận được hỗ trợ do “khó khăn trong việc tiếp cận đơn xin hỗ trợ” hoặc “không có sự hướng dẫn của cán bộ địa phương”. Nghiên cứu đã xác định được ít nhất có 4 nhóm người dễ bị tổn thương không có trong danh sách được hưởng lợi từ gói hỗ trợ thứ hai của Chính phủ: người di cư không có hộ khẩu; các hộ kinh doanh nhỏ không chính thức như chế biến thực phẩm và quán phở; người vô gia cư; và những người bị mất thu nhập do Covid-19 trước ngày quyết định về giãn cách xã hội được ban hành.

Các báo cáo còn chỉ ra rằng, tác động của đại dịch ở Việt Nam là rất lớn. Do đó, gói hỗ trợ phải đủ để bảo vệ những người dễ bị tổn thương khỏi cú sốc kinh tế lớn này. Do những thách thức là chưa từng có và Chính phủ gần đây đã được Quốc hội trao quyền đặc biệt, có thể xem xét chương trình hỗ trợ tiền mặt mới với nguồn tài chính lớn hơn.

Bà Phạm Minh Thu (Viện Khoa học Lao động và Xã hội thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: “Mức hỗ trợ tiền mặt hàng tháng phải đạt mức sống tối thiểu, được xác định trong chuẩn nghèo quốc gia trong suốt thời kỳ cách ly và bao phủ tất cả mọi người, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương”.

Các báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị chi tiết về các nhóm đối tượng và cách thức để thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ tiền mặt mới, tận dụng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để triển khai ngay lập tức và đồng thời đẩy mạnh cải cách chính sách trợ giúp xã hội theo hướng hệ thống bao trùm và phản ứng với cú sốc nhanh nhạy hơn.

Ông Terence D. Jones - Đại diện thường trú lâm thời của UNDP cho rằng, kết quả khảo sát từ 2 báo cáo này là một thông tin đầu vào cho toàn xã hội và Chính phủ để xem xét các bước tiếp theo trong việc đối phó và vượt qua những tác động tức thời của đại dịch, cũng như đóng góp cho Chính phủ Việt Nam trong việc cân nhắc các lựa chọn chính sách mới và các biện pháp can thiệp để giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với người dân Việt Nam, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương nhất.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục