Ứng phó với áp lực lạm phát gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Lạm phát của Mỹ tiếp tục tăng trong tháng 1 có thể làm chậm lại kế hoạch giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), từ đó tiếp tục gây áp lực với tỷ giá USD/VND. Căng thẳng thương mại giữa các nước lớn đẩy giá cả hàng hóa tăng. Ở trong nước, để hỗ trợ tăng trưởng GDP, nguồn cung tiền đổ ra nền kinh tế dự kiến sẽ tăng đáng kể trong năm 2025... Đây là những yếu tố có thể đẩy lạm phát lên mức cao, tác động bất lợi đến việc ổn định kinh tế vĩ mô.
Giá hàng hóa trên thế giới ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến sản xuất của các doanh nghiệp và giá hàng hóa tiêu dùng trong nước. Ảnh: Lê Tiên
Giá hàng hóa trên thế giới ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến sản xuất của các doanh nghiệp và giá hàng hóa tiêu dùng trong nước. Ảnh: Lê Tiên

Nhận diện bức tranh lạm phát 2025

Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ vừa công bố cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2025 của nước này tăng 0,5% theo tháng và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Cả hai con số trên đều cao hơn so với mức dự báo lần lượt 0,3% và 2,9% theo khảo sát của Dow Jones.

Giới phân tích quốc tế cho rằng, trong thời gian tới, quyết định áp thuế thép và nhôm của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tác động đối với giá cả, lợi nhuận và sản lượng của các công ty sản xuất ở Mỹ, đồng thời có thể đẩy lạm phát tăng cao và làm chậm lại hoạt động kinh tế. Ở khía cạnh khác, tỷ lệ lạm phát hàng năm vẫn cao hơn mục tiêu 2%, Fed được dự báo sẽ tiếp tục giữ nguyên lãi suất cho đến khi lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt hoặc nền kinh tế suy yếu.

Tại Việt Nam, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, CPI tháng 1/2025 tăng 0,98% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2024, CPI tháng 1 tăng 3,63%; lạm phát cơ bản tháng 1/2025 tăng 3,07%. Cơ quan thống kê nhận định, năm 2025, một số yếu tố làm gia tăng lạm phát là cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn ngày càng gay gắt hơn, đặc biệt là chính sách thuế quan của Mỹ có thể gây ảnh hưởng đến lạm phát dài hạn khi các đối tác thương mại toàn cầu có hành động “trả đũa”. Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên giá hàng hóa trên thế giới ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên. Bên cạnh đó, USD tăng giá càng làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước.

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 với mục tiêu tăng trưởng cao nên dự báo nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và tiêu dùng sẽ tăng mạnh. Đây cũng là một nhân tố tạo áp lực lên lạm phát. Mặt khác, lượng cung tiền đổ ra nền kinh tế trong năm 2025 dự kiến ở mức cao sẽ tác động đáng kể đến lạm phát. Tờ trình Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên của Chính phủ đưa ra kịch bản tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2025 khoảng 174 tỷ USD trở lên (tăng khoảng 3 tỷ USD so với kế hoạch trước đó); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2025 tăng khoảng 12% trở lên so với năm trước; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2025 tăng 12% trở lên so với năm trước. Đề án đặt chỉ tiêu tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4,5 - 5%.

Đề án cũng nêu rõ, trường hợp cần thiết cho phép điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên mức 4 - 4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP.

Trên thị trường tiền tệ, NHNN đặt chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng ở mức 16%, tương ứng 2,5 triệu tỷ đồng vốn tín dụng sẽ được đổ thêm vào nền kinh tế trong năm 2025.

Từ khía cạnh khác, giới phân tích cho rằng, tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng cũng gây áp lực với lạm phát của Việt Nam trong thời gian tới. Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND đã tăng 0,42% sau đà tăng hơn 5% trong năm 2024. Ngân hàng UOB dự báo, tỷ giá USD/VND nhiều khả năng sẽ tiếp tục được neo ở mức cao trong bối cảnh rủi ro toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cụ thể, tỷ giá USD/VND trong quý I, quý II, quý III và quý IV lần lượt lên mức 25.600 đồng, 25.800 đồng, 26.000 đồng và 25.800 đồng.

Đánh giá về chỉ tiêu tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4,5 - 5% , Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc điều chỉnh chỉ tiêu này là cần thiết nhằm tạo không gian trong điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản tháng 1/2025 tăng 3,07%, cao hơn bình quân chung năm 2023 (2,71%), cho thấy áp lực lạm phát là đáng kể. Do đó, đề nghị có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.

Nguồn: Tổng cục Thống kê
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Chủ động giải pháp ứng phó

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách thuộc Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, lạm phát năm 2025 sẽ chịu tác động đáng kể từ biến động của thị trường thế giới và diễn biến kinh tế trong nước. Theo đó, căng thẳng thương mại giữa các nước cùng với chủ trương bảo hộ mậu dịch thông qua chính sách thuế quan mới của Tổng thống Hoa Kỳ sẽ đẩy giá hàng hóa trên thị trường thế giới và giá trị đồng USD tiếp tục tăng cao. Trong nước, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 8% trở lên, chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ sẽ tiếp tục được triển khai sẽ gây áp lực với đà tăng của lạm phát.

“Cùng với nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng GDP, cần chú trọng kiểm soát lạm phát để giữ ổn định vĩ mô, qua đó bảo vệ thành quả của tăng trưởng kinh tế. Do đó, bên cạnh cải cách thể chế, thúc đẩy giải ngân đầu tư công và đầu tư tư nhân, cần phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, điều tiết cung tiền trên thị trường hợp lý để ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô trong cả năm nay và những năm tiếp theo” ông Việt nhấn mạnh.

Từ góc độ đơn vị tham mưu chính sách, Tổng cục Thống kê kiến nghị một số giải pháp giảm áp lực lạm phát trong thời gian tới. Theo đó, Ban chỉ đạo điều hành giá chủ trì, chỉ đạo các bộ, ban, ngành xây dựng và báo cáo các phương án tăng giá các mặt hàng thiết yếu (điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục…) với mức độ tăng và thời điểm cụ thể để xem xét quyết định về mức độ và thời điểm điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý phù hợp, chủ động, đồng bộ, thống nhất bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát. Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo nguy cơ ảnh hưởng đến Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá trong nước. Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Tin cùng chuyên mục