Ứng phó với dự báo giá hàng hóa có thể tăng mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước dự báo về chu kỳ tăng giá nguyên liệu thô toàn cầu, giới chuyên gia cho rằng cần thực hiện các giải pháp ứng phó kịp thời, hợp lý để đảm bảo cân đối cung cầu, kiểm soát tốt lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Mới đây, tờ Financial Times (Anh) dẫn lời của giới phân tích thị trường hàng hóa nguyên liệu cho biết, trong vài năm qua, hàng hóa nguyên liệu thô liên tiếp gặp khó khăn do tình trạng dư thừa nguồn cung và nỗi lo kinh tế suy thoái khi đại dịch Covid-19 bùng nổ.

Giờ đây, giá cả hàng hóa đang đồng loạt tăng trên toàn cầu do kỳ vọng đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ ở thời kỳ hậu Covid-19 trong năm 2021. Nhu cầu bị dồn nén của người tiêu dùng và các công ty sản xuất công nghiệp đối với nguyên vật liệu thô sẽ được giải phóng.

Một số nhà phân tích và đầu tư cho rằng thị trường hàng hóa có thể đang đứng trước một chu kỳ tăng trưởng dài hạn tương tự như thập niên 1970 và 2000.

Triển vọng tăng giá của hàng hóa nguyên liệu thô còn được hỗ trợ từ việc các chính phủ và ngân hàng trung ương sẵn sàng bơm tiền để giúp nền kinh tế sớm hồi phục.

Trước thông tin này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có văn bản giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá và đề xuất giải pháp thích ứng với “nguyên liệu thô đứng trước siêu chu kỳ tăng giá”.

TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại thuộc Bộ Công Thương cho rằng, dự báo của giới phân tích về chu kỳ tăng giá hàng hóa sắp tới là hợp lý. Bởi lẽ, phần lớn các nền kinh tế trên thế giới đều tung ra các gói kích thích lớn, đồng thời dự báo diễn biến dịch bệnh có chiều hướng tích cực làm tăng nhu cầu mua các loại hàng hóa nguyên liệu để thúc đẩy sản xuất và hồi phục kinh tế.

Nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu với kinh tế thế giới, do đó, biến động trên thị trường hàng hóa thế giới sẽ tác động trực tiếp đến giá cả hàng hóa tại Việt Nam. Theo ông Phương, để ứng phó và giảm tác động tiêu cực từ chu kỳ tăng giá hàng hóa có thể xảy ra, cần chú trọng các giải pháp cân đối cung cầu, bảo đảm lưu thông hàng hóa tốt, quản lý giá chặt chẽ và kiên quyết chống tình trạng “té nước theo mưa” để tăng giá hàng hóa bất hợp lý. Đồng thời, cần có các giải pháp điều hành giá cả phù hợp như sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu ở thời điểm hợp lý, cân nhắc điều chỉnh giá các loại dịch vụ công.

Ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI) cho rằng, điều quan trọng là cần xem xét, phân tích và dự báo chi tiết khả năng biến động về giá của từng loại nguyên liệu, đặc biệt là các nguyên liệu đầu vào thiết yếu với nền kinh tế để có cách ứng phó phù hợp.

“Ở thời điểm hiện nay, các loại nguyên liệu hàng hóa đầu vào, đặc biệt là dầu mỏ đang chịu tác động không chỉ từ dịch Covid-19 mà còn từ biến động địa chính trị toàn cầu. Mặt khác, chu kỳ tăng giá chưa chắc đã dài bởi vì các nền kinh tế có khả năng tự điều chỉnh và thích ứng tốt trước các biến động. Chẳng hạn, nhiều quốc gia đang tích cực khôi phục sản xuất lương thực và nguyên vật liệu. Vì vậy, cung hàng hóa chưa chắc đã thiếu trong thời gian dài”, ông Minh nói.

Về giải pháp, theo ông Minh, nhiều doanh nghiệp rất nhanh nhạy nắm bắt chu kỳ tăng giá của hàng hóa nguyên vật liệu. Họ sẽ có cách ứng phó phù hợp như tăng năng suất để tiết kiệm nguyên liệu đầu vào hoặc chuyển hướng lựa chọn nguyên vật liệu hoặc nguồn cung ứng để đảm bảo chi phí sản xuất ở mức hợp lý nhất.

Đối với kinh tế vĩ mô, giá cả tăng có thể tạo áp lực lạm phát. Tuy nhiên, việc chủ động theo dõi và điều tiết chính sách tài khóa - tiền tệ kịp thời có thể hỗ trợ kiểm soát được giá cả hàng hóa, từ đó ổn định kinh tế vĩ mô.

Tin cùng chuyên mục