Thời gian tới nên bổ sung chính sách ưu đãi với một số ngành dịch vụ như du lịch, giáo dục, tài chính, sản xuất ứng dụng công nghệ cao... Ảnh: Lam Thanh Sơn |
Đây là một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến thảo luận tại Hội thảo chuyên đề Ưu đãi đầu tư - giao dịch liên kết: Thực trạng và giải pháp, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức ngày 10/7, tại Hà Nội.
Đủ sức hấp dẫn…
Theo đại diện của Bộ Tài chính, kể từ khi Việt Nam mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài, chính sách ưu đãi thuế đã trải qua 4 giai đoạn cải tiến (1987 - 1994, 1995 - 2000, 2001 - 2010, 2011 - 2020). Qua đó đã góp phần thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư trong nước, kích thích tăng trưởng kinh tế, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Dưới góc độ nhà nghiên cứu và tư vấn chính sách thuế cho các doanh nghiệp (DN), ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thuế Deloitte Việt Nam đánh giá, chính sách ưu đãi thuế thời gian qua đã có những thay đổi khá tích cực. Trong giai đoạn đầu, Việt Nam mở cửa rất nhiều, tuy nhiên nhiều nhà đầu tư không sinh lời, gây thất thu ngân sách nên sau đó chúng ta có những chính sách thắt chặt. Nhưng từ năm 2014 trở lại đây, các chính sách thông thoáng hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN, nên dòng vốn FDI có sự gia tăng mạnh mẽ.
Riêng đối với thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 20% dành cho các nhà đầu tư nước ngoài, ông Bùi Ngọc Tuấn cho rằng, đây là một thuế suất rất hấp dẫn, cạnh tranh trong khu vực, ở gần cận dưới, thấp hơn nữa chỉ có Singapore, Hồng Kông. Nếu nhìn bề ngoài, thuế suất này cùng các chính sách ưu đãi TNDN, ưu đãi địa bàn đầu tư, ngành nghề kinh doanh đang là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.
… nhưng chưa phải là tất cả
Mặc dù có đóng góp quan trọng trong thu hút FDI, nhưng theo ông Tuấn, các chính sách thuế hiện nay gần như nghiêng theo hướng địa bàn ưu đãi hơn là theo hướng lĩnh vực. Việc áp dụng theo lĩnh vực còn nhiều khó khăn về thủ tục. Các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao chưa có cơ chế ưu đãi hợp lý. Chính sách ưu đãi thuế còn khá cứng nhắc, nhiều trường hợp các nhà đầu tư không tận dụng được ưu đãi thuế nên giảm sức hút đầu tư.
Trong khi đó, ở các quốc gia phát triển, ông Tuấn cho biết, chính sách ưu đãi nổi bật thường tập trung vào các ngành nghề phát triển bền vững. Nhìn chung, các chính sách ưu đãi dựa trên nền tảng chi phí, đa dạng và linh hoạt giúp nhà đầu tư tận dụng tối đa ưu đãi thuế.
Do đó, chuyên gia kinh tế này đề xuất, Chính phủ cần cân đối ngành nghề thực sự cần thu hút đầu tư cũng như địa bàn đầu tư để có chính sách đi theo phù hợp, cộng với những chính sách chuyên ngành hỗ trợ thì sẽ tạo sức hút tốt hơn. Chính phủ nên thực hiện các gói giải pháp ưu đãi thuế khuyến khích hoạt động ứng dụng công nghệ cao thông qua việc đơn giản và minh bạch hóa thủ tục xin xác nhận về các lĩnh vực này. Đồng thời, bổ sung chính sách ưu đãi với một số ngành dịch vụ như giáo dục, tài chính, du lịch, sản xuất ứng dụng công nghệ cao... tạo nên giá trị gia tăng cao và bền vững hơn.
Từ kinh nghiệm của các quốc gia trong khu vực, Chính phủ nên xây dựng cơ chế ưu đãi linh hoạt và đa dạng hơn như kết hợp nhiều hình thức miễn/giảm, khấu trừ chi phí... Thực tế cũng cho thấy, một số cơ quan thuế ở địa phương diễn giải quy định về thuế còn cứng nhắc, gây ra không ít khó khăn cho DN. Do đó, cần có sự thống nhất cách hiểu từ trên xuống dưới, và cần linh hoạt trong những điều kiện cụ thể, nếu cần có thể kiến nghị lên cấp trên để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, giúp DN yên tâm đầu tư.
Trong thu hút đầu tư nước ngoài, ngoài chính sách ưu đãi về thuế, ưu đãi về đầu tư, các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư đăng ký, thành lập DN, nhiều ý kiến cho rằng, còn nhiều yếu tố khác chi phối quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Trong đó, tạo điều kiện thông thoáng cho DN, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thống nhất cơ chế quản lý giữa các bộ, ban, ngành, địa phương là yếu tố rất quan trọng để giữ chân các nhà đầu tư.
Theo kinh nghiệm của Công ty Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới, ưu đãi đầu tư là một công cụ chính sách khá hạn chế và chỉ hiệu quả trong những điều kiện rất cụ thể. Không thể đạt được mọi mục tiêu phát triển thông qua các chính sách ưu đãi và dù có đạt được thì các chính sách ưu đãi cũng sẽ chỉ đạt hiệu quả cao nhất khi toàn thể môi trường chính sách chung và môi trường đầu tư nói chung đều thuận lợi. Các chính sách ưu đãi đầu tư nên gắn với các mục tiêu chính sách được xác định rõ ràng. Chính sách ưu đãi nên tập trung vào những nhà đầu tư sẽ thích ứng tốt nhất với chính sách dựa trên động cơ đầu tư và phân tích về sự đánh đổi giữa chi phí và lợi ích.