TS. Phùng Văn Hùng, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội |
Kết quả CPH đã hoàn thành 90% kế hoạch giai đoạn 2011-2015 theo ông có được coi là tích cực?
Đánh giá là tích cực cũng được, mà chưa tích cực cũng được.
Tích cực là bởi kết thúc năm 2013, tiến trình CPH giai đoạn 2011-2015 đã đi được 2/3 chặng đường, nhưng chưa đầy 100 đơn vị được CPH, nên nhiều người nghĩ rằng, kết thúc giai đoạn này, cùng lắm chỉ đạt được 50% kế hoạch đặt ra. Nhưng năm 2014, có thêm 74 đơn vị được CPH và đến trung tuần tháng 11/2015 có thêm 159 đơn vị được CPH.
Nhiều khả năng, kết thúc năm 2015, có tổng cộng khoảng 460 đơn vị được CPH, tức là hoàn thành 90% mục tiêu đặt ra cho cả giai đoạn.
Nếu đặt trong bối cảnh thị trường chứng khoán chưa hết trầm lắng, chứng khoán chưa thực sự trở thành kênh đầu tư của người dân và mất 2 năm đầu, nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn trong chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước chưa được ban hành, thì kết quả đạt được là hết sức khả quan.
Vậy nếu nói kết quả CPH trong giai đoạn vừa qua chưa tích cực thì nhìn trên phương diện nào, thưa ông?
Năm 2014-2015, ngoài 432 doanh nghiệp CPH đã có trong danh sách, năm 2015 và 2016, Thủ tướng Chính phủ bổ sung 215 đơn vị nữa.
Thực hiện Quyết định 37/2014/QĐ-TTg về tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước, sẽ có thêm nhiều đơn vị nữa tiếp tục được bổ sung vào danh sách này, nên số lượng doanh nghiệp CPH trong giai đoạn tới còn rất lớn. Giai đoạn vừa qua không đạt được mục tiêu đặt ra, nên công việc dồn lại cho giai đoạn tới có thể nói là vô cùng lớn.
Hiện vẫn còn khoảng 1,2 - 1,3 triệu tỷ đồng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, gấp nhiều lần số vốn đã thoái thông qua CPH kể từ khi Nhà nước thực hiện chủ trương chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Nhà nước không nhất thiết phải đầu tư.
Về số lượng, giai đoạn 2011-2015 hoàn thành được 90% kế hoạch có thể coi là tích cực, nhưng số vốn thoái được còn rất ít so với số vốn cần phải thoái, đây là điểm chưa tích cực.
Sự chậm trễ trong CPH là do đâu, thưa ông?
Các chuyên gia kinh tế và các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra rất nhiều nguyên nhân như vướng mắc trong khâu xác định giá trị doanh nghiệp, thị trường chứng khoán chưa phục hồi, hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa thực sự khởi sắc, gửi tiền tiết kiệm vẫn có lợi nhuận cao hơn đầu tư vào cổ phiếu…
Theo tôi, có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là Chính phủ đã quyết liệt, quyết tâm, nhưng chưa xử lý mạnh tay. Đơn cử, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, TP.HCM, Nam Định, Bình Dương, Bình Phước, Đăk Lắk, Gia Lai, Quảng Ninh, Tây Ninh, Đồng Tháp, Yên Bái, An Giang, Tiền Giang thực hiện sắp xếp, CPH vô cùng chậm, nhưng chẳng thấy xử lý người có trách nhiệm.
Ngay lãnh đạo của các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh này cũng chỉ bị nêu tên, nhắc nhở là “cần có giải pháp quyết liệt hơn để hoàn thành kế hoạch” trong Hội nghị trực tuyến về đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được tổ chức cuối tháng 11 vừa qua, chứ chưa thấy ai bị xử lý.
Nguyên nhân thứ hai là gì, thưa ông?
Đó là chưa công khai, minh bạch trong CPH, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước. Các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn điều hành dù đã được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ, nhưng điều quan trọng hơn là nhà đầu tư muốn biết cụ thể thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản trị, công nợ, tình hình tài chính… của doanh nghiệp CPH thì không biết tìm ở đâu.
Để hoàn thành mục tiêu CPH trong giai đoạn tới, theo tôi, Bộ Tài chính nên lập riêng một trang thông tin điện tử, trong đó công khai danh tính, địa chỉ, lĩnh vực ngành nghề kinh doanh, tình hình tài chính, công nợ, tỷ lệ phần vốn nhà nước… của tất cả doanh nghiệp nằm trong danh sách này.
Chỉ có như vậy, nhà đầu tư có nhu cầu mới có thể tra cứu, so sánh, tìm hiểu được đầy đủ thông tin về từng doanh nghiệp trước khi quyết định mua cổ phần ở doanh nghiệp nào.