Vân Đồn, nơi hội tụ giá trị

(BĐT) - Qua một chặng đường dài đi tìm hiểu, nghiên cứu ở nhiều quốc gia, câu hỏi chúng tôi đặt ra là tại sao các “đặc khu” trên thế giới có được sự phát triển đột phá. Một số khu vực của nước ta có tiềm năng, lợi thế không kém, nhưng “chiếc áo” chính sách chưa đủ rộng đang bó hẹp những “cơ thể đầy sức sống” đó và Vân Đồn của Quảng Ninh là một ví dụ. 
Vân Đồn đang rất trông chờ cơ chế, chính sách phù hợp, cạnh tranh được với những đặc khu trong khu vực. Ảnh: Minh Yến
Vân Đồn đang rất trông chờ cơ chế, chính sách phù hợp, cạnh tranh được với những đặc khu trong khu vực. Ảnh: Minh Yến

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long khởi đầu câu chuyện với chúng tôi bằng sự trăn trở ấy. Lời giải, theo ông lúc này chính là tạo ra những cơ chế, chính sách đủ sức cạnh tranh, và Vân Đồn đã sẵn sàng để cất cánh.

Tại sao Quảng Ninh lựa chọn Vân Đồn để xây dựng thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thưa ông?

Theo kinh nghiệm quốc tế, các “đặc khu” thường là những vùng đất có vị trí địa lý thuận lợi trong kết nối giao thông, thị trường rộng lớn, có thế mạnh nhất định, có đặc điểm riêng có và lợi thế thuận lợi trong phát triển kinh tế tập thể các ngành kinh tế có tác động tương hỗ lẫn nhau, thúc đẩy nhau cùng phát triển theo định hướng chiến lược; đồng thời ở đó, các cấp chính quyền phải có sự đảm bảo về pháp luật đi đôi với quyết tâm chính trị, chính sách ổn định, ưu đãi vượt trội.

Từ những kinh nghiệm đó, khi đối chiếu lại với Vân Đồn thì khu vực này hội tụ đầy đủ các tiềm năng lợi thế cơ bản, chỉ còn thiếu về thể chế, cơ chế chính sách và hoàn thiện thêm về hạ tầng giao thông. Vân Đồn rất thuận lợi trong vị trí địa lý, cùng với tỉnh Quảng Ninh, nằm trong hành lang ven biển của Việt Nam - ASEAN - Trung Quốc. Vân Đồn tương đối độc lập, thuận lợi để thí điểm mô hình hành chính mới, lại kết nối giao thông nhanh, thuận lợi. Hiện nay, hệ thống đường cao tốc kết nối Vân Đồn với Hạ Long, Hải Phòng nối tới Hà Nội, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn sắp hoàn thành, đường biển cũng thuận lợi. Từ đó, mở toang cánh cửa kết nối Vân Đồn với các vùng phụ cận trong nước và thế giới. Nhiều chuyên gia quốc tế tính toán, trong bán kính 05 giờ bay, Vân Đồn có cơ hội tiếp cận phục vụ một thị trường với quy mô dân số khoảng 03 tỷ người và tổng GDP khoảng 20 nghìn tỷ USD/năm.

Vân Đồn có hệ sinh thái đặc biệt, vùng đất còn hoang sơ do thiên tạo, nằm cạnh vịnh Hạ Long, có vịnh Bái Tử Long. Vị trí này là độc nhất vô nhị. Nhà đầu tư của Dubai khi đến Vân Đồn đã chia sẻ rằng, họ có thể làm ra “khu đô thị cành cọ” tại Dubai và mô hình đó có thể sao chép sang những nơi khác, nhưng nếu đặt ở Vân Đồn thì không thể sao chép, vì có cảnh quan thiên nhiên độc nhất vô nhị xung quanh.

Vân Đồn cũng gần các thị trường lớn trong vùng và thế giới liền kề Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái cửa ngõ của ASEAN và Trung Quốc. Bên cạnh di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, Vân Đồn sẽ là điểm du lịch mới hấp dẫn để giữ chân du khách, chỉ mất 20 phút đi ô tô từ Hạ Long khi đường cao tốc hoàn thành.

Một trong các yếu tố quan trọng là quyết tâm chính trị. Ở các quốc gia chưa thành công với mô hình đặc khu, nguyên nhân cơ bản nhất là chưa có quyết tâm, quyết liệt đến cùng mục tiêu pháp triển, chỉ xây dựng theo hình thức phong trào, trăm hoa đua nở. Nhưng tỉnh Quảng Ninh đã có sự chuẩn bị thận trọng khoa học, bài bản và có cơ sở khoa học với thực tiễn, tính toán căn bản, thấu đáo và chuẩn bị một cách thận trọng, thể hiện sự quyết tâm rất cao, từ trên xuống dưới và được sự đồng thuận rất lớn từ nhân dân.

Với những lợi thế này, Vân Đồn đang rất trông chờ một cơ chế đột phá,  một chính đặc thù phù hợp, cạnh tranh được với những đặc khu trong khu vực và quốc tế.

Vân Đồn, nơi hội tụ giá trị ảnh 1
Ông Nguyễn Đức Long
Thưa ông, mô hình cho khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn theo thiết kế của tỉnh Quảng Ninh sẽ như thế nào?

Quảng Ninh xác định xây dựng khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh; trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao. Trọng tâm là dịch vụ, du lịch phức hợp cao cấp, công nghiệp giải trí hiện đại có casino, công nghiệp công nghệ cao; trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo và giao thương quốc tế của khu vực Hành lang kinh tế Trung Quốc - ASEAN.

Vân Đồn sẽ là mô hình phát triển theo hướng hiện đại nhưng thân thiện môi trường, bộ máy hành chính tinh gọn, thể chế, cơ chế, chính sách cạnh tranh toàn cầu ở mức cao nhất; khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế khác biệt, cơ hội nổi trội, thu hút các nguồn lực đầu tư, thu hút và quy tụ nguồn lực sáng tạo, phương thức quản lý mới, tiên tiến.

Về mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh kiến nghị xây dựng mô hình và hệ thống chính trị theo hướng tổ chức lại các cơ quan tham mưu, giúp việc theo hướng tinh gọn, hiệu quả, hiện đại, nâng cao năng lực quản lý điều hành. Thực hiện 1 cấp đơn vị hành chính và 2 cấp quản lý, nhất thể hoá chức danh bí thư và chủ tịch UBND khu, dưới khu là cấp tiểu khu trên cơ sở sắp xếp lại 12 xã, thị trấn hiện nay của Vân Đồn.

Thẩm quyền của Trưởng khu hành chính - kinh tế phải được phân cấp mạnh, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, theo hướng được quyền tự quyết một số vấn đề trước đây thuộc thẩm quyền của Thủ tướng hay UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh. Nguyên tắc là trao thêm quyền lực nhưng có cơ chế giám sát quyền lực, trách nhiệm giải trình rất cao.

Những cơ chế, chính sách áp dụng đối với Vân Đồn sẽ đề xuất theo hướng đủ sức cạnh tranh toàn cầu, vượt ra khỏi cơ chế hiện hành, chỉ bị khống chế bởi Hiến pháp và các điều ước của Việt Nam ký với quốc tế. Theo đó, Tỉnh hiện đang tập trung vào 05 nhóm chính sách, trong đó, nhóm chính sách ưu đãi liên quan đến tài chính bao gồm các chính sách ưu đãi về thuế; chính sách tài chính, tiền tệ, ngân hàng; chính sách đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; chính sách khuyến khích và thu hút đầu tư đang được nghiên cứu kỹ lưỡng để đề xuất cụ thể mức ưu đãi thực sự là nổi trội, phù hợp với điều kiện thực tế và đặc thù của Vân Đồn. Một số ưu đãi được nghiên cứu đề xuất như là: giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng so với thuế suất hiện hành; miễn, giảm thuế thu nhấp cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp; nghiên cứu đề xuất được thiết lập thể chế tài chính, tiền tệ riêng, đa dạng hóa các loại hình giao dịch phù hợp với thông lệ quốc tế; người nước ngoài được tự do mua, bán nhà ở tại các dự án phát triển nhà ở trong khu,… Những cơ chế, chính sách vượt qua khung pháp lý hiện hành sẽ được quy định trong Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thị sát Khu dịch vụ, du lịch phức hợp cao cấp có casino tại Vân Đồn. Ảnh: Hoài Nam

Bộ Chính trị, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu mỗi “đặc khu” cần có định hướng phát triển khác biệt, cạnh tranh lành mạnh với nhau, theo ông lĩnh vực lợi thế cạnh tranh lớn nhất của Vân Đồn là gì?

Vân Đồn có hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ, mỗi đảo là một sự khác biệt, có tiềm năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp. Vị trí địa lý cận kề vịnh Hạ Long – kỳ quan thiên nhiên của thế giới, cũng tạo nên lợi thế riêng cho Vân Đồn. Ngoài ra, Vân Đồn có kết nối bằng đường cao tốc, bên cạnh cảng hàng không quốc tế, cảng biển. Đó là những lợi thế đặc trưng và nổi trội của Vân Đồn.

Trong các trọng tâm phát triển, mũi nhọn của Vân Đồn là phát triển công nghiệp vui chơi giải trí đẳng cấp cao trong đó có casino, gắn với du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao, xây dựng các trung tâm nghỉ dưỡng đẳng cấp cao ở các khu đảo sinh thái tiềm năng.

Dù xác định phải có lợi thế riêng, nhưng việc phát triển Vân Đồn sẽ được đặt trong quy hoạch tổng thể và mối liên kết phát triển của tỉnh Quảng Ninh với khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội, khu vực phía Bắc và cả nước, gắn với tiềm năng, thế mạnh và điều kiện tự nhiên, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới, không xung đột lợi ích đối với Phú Quốc và Bắc Vân Phong. 

Theo ông nếu được “thay chiếc áo chính sách đủ rộng”, sau bao lâu Vân Đồn có thể tự đứng vững và phát triển đúng theo kỳ vọng? Giá trị mà Vân Đồn mang lại liệu có đủ sức lôi kéo, dẫn dắt cả vùng?

Chúng tôi xác định cần lộ trình 5 năm đầu sau khi Đề án được phê duyệt để chuẩn bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bộ máy, nhân lực cho Vân Đồn. Sau đó, Vân Đồn sẽ “tự đứng vững” và hỗ trợ cho sự phát triển của du lịch Quảng Ninh thực sự trở thành một trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế. Vân Đồn sẽ là điểm thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đến đầu tư, nhất là nhà đầu tư liên quan đến kinh doanh casino trên thế giới. Sau 10 năm, “đặc khu” sẽ có thể đóng góp cho ngân sách địa phương và cả nước.

Sự phát triển của Vân Đồn sẽ có tác động lan tỏa không chỉ cho Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội và toàn bộ vùng phía Bắc, mà kết hợp với đường ven biển 6 tỉnh nối dài tới Thanh Hóa, sẽ có tác động lan tỏa rất lớn. Đơn cử, nguồn thu phí, thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ đóng góp rất lớn cho ngân sách của Tỉnh và cả nước. Vân Đồn cũng sẽ là cầu nối giao thông giữa ASEAN với thị trường Trung Quốc.

Tư duy xuyên suốt để xây dựng cơ chế, chính sách cho Vân Đồn là chính sách không phải để hạn chế rủi ro cho cơ quan quản lý, mà phải bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư chiến lược, để họ có niềm tin, yên tâm đầu tư, phát triển thuận lợi. 

Để hiện thực hóa mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, nguồn lực đầu tư cho Vân Đồn sẽ là không nhỏ. Tỉnh đã có giải pháp gì để giải bài toán này thưa ông?

Nhằm tạo cho Vân Đồn có bước phát triển nhanh, bền vững, trở thành động lực lan tỏa tới các địa phương khác và đạt mục tiêu theo định hướng phát triển, dự kiến nhu cầu vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2018 - 2030 cho Vân Đồn rất lớn, cần huy động nhiều giải pháp để thực hiện.

Đối với phần vốn ngân sách Nhà nước, Tỉnh đang nghiên cứu theo hướng hàng năm trong chi đầu tư và chi thường xuyên của Tỉnh sẽ trích ra một tỷ lệ nhất định tùy theo tình hình thực tiễn kinh tế của Tỉnh để dành nguồn lực thúc đẩy đầu tư vào kết cấu hạ tầng, trọng tâm là các dự án động lực có tính lan tỏa, đột phá; đồng thời hoàn thiện bộ máy hành chính cho Vân Đồn theo hướng tinh gọn, thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhưng để phát triển nhanh, bền vững thì Tỉnh cũng báo cáo với Trung ương để bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho đầu tư phát triển Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn.

Đối với phần vốn ngoài ngân sách, Tỉnh chủ trương kêu gọi thu hút đầu tư của các nhà đầu tư chiến lược trong nước và nước ngoài, đầu tư theo hình thức PPP,…

Ngoài các giải pháp trên, việc phát triển thị trường chứng khoán, các dịch vụ tài chính tự do hiện đại; xây dựng trung tâm tài chính Vân Đồn để thu hút nguồn vốn cho đầu tư xây dựng phát triển Vân Đồn, từng bước để ngành tài chính ngân hàng trở thành ngành kinh tế trụ cột, trọng tâm là thu hút các tổ chức tài chính lớn, các ngân hàng, công ty chứng khoán, bảo hiểm đầu tư, kinh doanh tại Khu hành chính - kinh tế đặc biệt; hình thành sàn giao dịch chứng khoán tại Khu hành chính - kinh tế đặc biệt. Đồng thời, Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn với thể chế và chính sách đặc biệt sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư vào đầu tư và sẽ tạo ra nhu cầu rất lớn về đất đai, nhà ở. Đây là thách thức, song sẽ là cơ hội và nếu mạnh dạn đầu tư thì nhà nước sẽ thu được nguồn lực lớn từ đất đai. Đây là kinh nghiệm rất thành công của “đặc khu” kinh tế Thâm Quyến và các KKT tự do của Dubai.

Trân trọng cảm ơn ông!

“Yêu cầu tiên quyết cho sự thành công của mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là hình thành khung thể chế đặc biệt, đột phá, vượt trội. Hay nói cách khác là thể chế cạnh tranh dựa trên nền tảng xác định lợi thế về địa kinh tế đặc biệt, riêng có, vượt trội của Vân Đồn, đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa, giao lưu đầu tư, thương mại quốc tế, nếu không, khó có thể cạnh tranh, tạo động lực và huy động nguồn lực đầu tư. Cần có định hướng phát triển khác biệt, cạnh tranh lành mạnh với các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt khác, cạnh tranh hơn so với các đặc khu trong khu vực và quốc tế”.

(Trích phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh về Đề án xây dựng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, tháng 4/2017)