Vẫn khó xử lý các dự án yếu kém ngành công thương

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đến thời điểm này, một số dự án yếu kém, thua lỗ của ngành công thương đã tìm ra hướng đi và đang được hồi sinh, song không ít dự án vẫn còn vướng mắc, đang được cơ quan chức năng tập trung xử lý. Những vướng mắc này nếu sớm được xử lý sẽ giúp tháo gỡ khó khăn, tạo hứng khởi cho doanh nghiệp (DN) thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam được rao bán nhiều lần nhưng vẫn không có người mua. Ảnh: P. Nam
Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam được rao bán nhiều lần nhưng vẫn không có người mua. Ảnh: P. Nam

Nhìn vào thực trạng Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam do Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) làm chủ đầu tư, một chuyên gia kinh tế đánh giá đây là dự án có tương lai “mờ mịt” nhất trong số 12 dự án yếu kém, thua lỗ của ngành công thương. Dự án sẽ không thể vận hành được do “đắp chiếu” nhiều năm, hơn nữa, sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu của thị trường có nhiều thay đổi. Vì thế, phải chấm dứt Dự án càng sớm càng tốt nhằm giảm gánh nặng cho DN.

Trên thực tế, để xử lý tồn tại của Dự án này, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương đã có nhiều chỉ đạo nhưng vẫn chưa thành công. Dự án đã được rao bán nhiều lần nhưng vẫn không có người mua

Cuối năm 2020, Vinapaco đã xây dựng phương án chuyển Dự án thành khu đô thị sinh thái gắn với du lịch, nông nghiệp công nghệ cao theo đề xuất của tỉnh Long An, nhưng đến nay, phương án này vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền thống nhất, phê duyệt. Chia sẻ với Báo Đấu thầu, một đại diện Vinapaco cho biết, Vinapaco cũng đề xuất một số phương án khác nhưng vẫn chưa được phê duyệt.

Đối với 2 dự án của Tổng công ty Thép Việt Nam (Nhà máy Thép Việt - Trung và Dự án Mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên), những khó khăn, vướng mắc cũng chưa thể giải quyết. Đến thời điểm này, việc xử lý hợp đồng EPC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ chưa có chuyển biến. Trong một thông báo mới đây, Tổng công ty Thép Việt Nam cho biết, việc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ tại 2 dự án này đang gặp khó khăn về các vấn đề liên quan đến hợp đồng EPC và tái cơ cấu nợ, đồng thời tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý do thời gian thực hiện kéo dài.

Đối với 3 dự án do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam làm chủ đầu tư (Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng; Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, Nhà máy Đạm Ninh Bình), việc xử lý tồn tại đã có chuyển biến tích cực. “Tuy vậy, những vướng mắc liên quan chi phí tài chính vẫn là vấn đề lớn chưa giải quyết được vì phải chờ cơ chế xử lý của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Cơ chế này lại đang trình Chính phủ để trình Bộ Chính trị nên cần thêm thời gian”, nguồn tin của Báo Đấu thầu cho biết.

Với 5 dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), mới đây, đại diện PVN cũng cho hay, có những dự án PVN không nắm vốn chi phối, lại do công ty con đầu tư, gặp nhiều khó khăn về thị trường, việc xử lý các dự án không đơn giản.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN nhấn mạnh, trong thời gian tới, những dự án đã nhận diện được hướng đi cần tích cực triển khai, còn những dự án đang gặp vướng mắc cần tập trung xử lý.

Tinh thần chung trong công tác xử lý các tồn tại, yếu kém của dự án và DN yếu kém ngành công thương là bám theo tín hiệu thị trường, không dùng ngân sách nhà nước để “cứu” những dự án này.

Với định hướng đó, để giải quyết nút thắt ở Nhà máy Bột giấy Phương Nam, một số chuyên gia cho rằng, người có thẩm quyền cao nhất cần quyết đoán trong phương án xử lý vướng mắc của Dự án. “Giải pháp tốt nhất là phải có chấp thuận của người có thẩm quyền cao nhất trong việc bán đấu giá Dự án với việc chấp nhận giá bán thấp hơn giá trị sổ sách để bảo vệ người thực thi”, một chuyên gia kinh tế gợi ý.

Còn với “nút thắt” về hợp đồng EPC ở 2 dự án thép nêu trên, chuyên gia cũng cho rằng, nếu không giải quyết được sẽ khó hiện thực hóa mong muốn “hồi sinh” các nhà máy…

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, đối với các dự án còn lại cần có sự quyết liệt, dứt điểm từng dự án. Ông Hiếu nhấn mạnh quan điểm, trong việc xử lý phải thống nhất về nguyên tắc, phân định quyền, trách nhiệm của các bên liên quan cần có quy định tạo ra cơ chế để người thực hiện nhiệm vụ yên tâm khi giải quyết công việc.