Năng lực cạnh tranh của Đà Nẵng tốt nhưng kết quả thu hút FDI lại không cao. Ảnh: Lê Tiên |
Chi phí không chính thức còn phổ biến
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, năng lực cạnh tranh quốc gia phần lớn được quyết định bởi chất lượng điều hành và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh cấp tỉnh. Do vậy, sự năng động và tiên phong của lãnh đạo địa phương, sự chuyên nghiệp, mẫn cán của bộ máy công chức các tỉnh, thành phố đang quyết định tốc độ và đường hướng phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.
“PCI 2015 cho thấy chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện. Đăng ký doanh nghiệp (DN), tiếp cận thông tin, cải cách thủ tục hành chính tại các địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực trong năm qua. Tuy nhiên, chi phí không chính thức còn phổ biến, môi trường cạnh tranh chưa bình đẳng vẫn là những trở ngại chính đối với hoạt động của DN” – ông Lộc nhận định.
Cũng theo ông Lộc, quá trình khảo sát PCI cho thấy các địa phương có rất nhiều mô hình mới đáng được nhân rộng. Đơn cử, đăng ký kinh doanh qua tổng đài (08) 1080 của TP.HCM và mô hình Trung tâm hành chính công của Đà Nẵng, Quảng Ninh đang phát huy hiệu quả tích cực; “nút bấm hài lòng” của Quảng Ninh và một số địa phương có những bước chuyển mạnh mẽ; mô hình “café doanh nhân” ở Quảng Ninh và Tuyên Quang là nơi gắn kết giữa cơ quan quản lý nhà nước và DN…
Đáng chú ý, các cuộc đối thoại giữa cơ quan chính quyền địa phương và DN trong năm 2015 đã tạo nên nhiều động lực cải cách, được DN đánh giá cao. Đa số các cuộc đối thoại hướng đến mục tiêu tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi, thân thiện, nhằm thu hút thêm vốn đầu tư, tạo ra việc làm, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách cho địa phương.
Ông Vũ Tiến Lộc mong muốn, PCI những năm tiếp theo bên cạnh sự bày tỏ hài lòng và không hài lòng với chính sách của địa phương, DN có thể trực tiếp “hiến kế” những cải cách phát triển cho cơ quan chính quyền.
Kết cấu hạ tầng tốt sẽ thuận lợi trong thu hút đầu tư
Đà Nẵng đã có 6 năm “trụ vững” tại ngôi đầu bảng PCI kể từ khi chỉ số PCI được công bố. Đạt được kết quả này, theo chia sẻ của ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng là do Thành phố luôn nhận thức rõ điểm yếu của mình trong các chỉ số thành phần của PCI. Vì vậy, cùng với việc phát huy mạnh mẽ hơn nữa các điểm tích cực thì Đà Nẵng cố gắng tập trung cải thiện hầu như toàn bộ các chỉ số thành phần.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo Thành phố này cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, không có mối tương quan tỷ lệ thuận giữa chỉ số PCI và việc thu hút FDI của địa phương. “Chúng tôi có “đất lành” nhưng “chim không đậu”. Môi trường, năng lực cạnh tranh của TP. Đà Nẵng tốt nhưng hiệu quả kinh doanh được các DN FDI đánh giá không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào chỉ số này, mà còn phụ thuộc vào các yếu tố khác về thị trường, kết cấu hạ tầng, lợi thế cạnh tranh”, ông Huỳnh Đức Thơ lý giải cho bất cập hiện hữu của Thành phố dẫn đầu PCI 2015. Lũy kế đến thời điểm này, Đà Nẵng mới chỉ thu hút được gần 300 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư khoảng 3,5 tỷ USD.
PCI 2015 cũng ghi nhận cảm nhận của các DN FDI về môi trường kinh doanh của Việt Nam đang kém hấp dẫn hơn các quốc gia do gánh nặng thực hiện các quy định pháp luật, chất lượng dịch vụ hành chính công và độ ổn định của kết cấu hạ tầng. Đáng chú ý, PCI 2015 nhận định, các địa phương có kết cấu hạ tầng tốt sẽ có nhiều thuận lợi trong thu hút đầu tư.
Nhận định trên được xem là không khó hiểu đối với trường hợp của tỉnh Bình Dương. Mặc dù chỉ số PCI chỉ đứng thứ 25 với 58,89 điểm, nhưng Bình Dương lại có chỉ số kết cấu hạ tầng (chỉ số này không nằm trong hệ thống đánh giá PCI nhưng vẫn được nghiên cứu thêm để cung cấp thông tin cho các DN khi ra quyết định đầu tư và cho công tác hoạch định chính sách) dẫn đầu cả nước. Điều này một phần lý giải vì sao Bình Dương luôn có sự bền bỉ và “đều tay” trong thu hút FDI khi dòng vốn này vẫn chảy đều qua các năm vào tỉnh này. Lũy kế đến cuối năm 2015, chỉ có 5 địa phương đạt số vốn FDI vượt mốc 20 tỷ USD, trong đó có Bình Dương.