Dự án thành phần 3 Xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua Đồng Nai dài 11,26 km với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 2.584 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Song Lê |
Dự án thành phần 3 là một trong 8 dự án thành phần thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM, sử dụng vốn đầu tư công. Quy mô công trình là đường ô tô cấp I, tốc độ thiết kế 100 km/h cho đường cao tốc và 60 km/h cho đường song hành 2 bên.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) tỉnh Đồng Nai (đơn vị được giao làm chủ đầu tư Dự án thành phần 3), Ban đã hoàn thành công tác lựa chọn tư vấn lập dự án và đơn vị tư vấn đang tập trung hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu kinh tế. Dự kiến ngày 9/11/2022 sẽ trình hồ sơ này lên Bộ Giao thông vận tải thẩm định.
Ông Ngô Thế Ân, Giám đốc Ban QLDA ĐTXD tỉnh Đồng Nai cho biết, việc khảo sát, lập hồ sơ mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ thải (khảo sát hiện trường, thỏa thuận với địa phương) dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 4/11/2022. Ban đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện khảo sát lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Hiện đơn vị tư vấn đã hoàn thiện phương án thiết kế nút giao trên tuyến. Dự án cũng đang được lấy ý kiến về phạm vi ảnh hưởng đất quốc phòng và ý kiến cộng đồng dân cư trên tuyến. Cuối tháng 9 vừa qua, hồ sơ thiết kế cơ bản (hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng) đã được trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định. Dự kiến, trong tháng 10/2022, Đồng Nai sẽ hoàn thành cắm cọc giải phóng mặt bằng, bàn giao cho địa phương. Cùng với đó, hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng sẽ được hoàn thành tham vấn tại địa phương, đăng tải công khai, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định. Ngày 9/11/2022, Tỉnh sẽ trình Bộ Giao thông vận tải Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án.
Liên quan đến Dự án Xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM, UBND TP.HCM vừa phê duyệt hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng Dự án thành phần 1, UBND tỉnh Bình Dương vừa có quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện Dự án thành phần 5 Xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua tỉnh Bình Dương và Dự án thành phần 6 Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua tỉnh Bình Dương.
Theo báo cáo mới nhất (kỳ 3) của Ban QLDA ĐTXD Tỉnh, Dự án thành phần 3 hiện nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc. Đó là, qua rà soát hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và ý kiến góp ý của các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan về việc đầu tư hoàn chỉnh các nút giao hoa thị tại vị trí Vành đai 3 TP.HCM giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành, nút giao liên thông tại ĐT.25C, cầu vượt tại các nút giao với ĐT.769, ĐT.25B, đường Lý Tự Trọng và đầu tư 2 cầu Rạch Chạy trên đường song hành cho thấy, nếu làm trong tổng mức đầu tư được duyệt thì Vành đai 3 không thể kết nối liên thông với đường song hành hai bên sông Rạch Chạy.
Ông Ân cho biết, Ban QLDA ĐTXD Tỉnh cùng đơn vị tư vấn thiết kế đã tiến hành rà soát, tính toán tổng mức đầu tư theo 3 phương án đầu tư các nút giao trên tuyến Vành đai 3 TP.HCM.
Cụ thể, phương án 1, đầu tư hoàn chỉnh nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành dạng nút giao hoa thị, nút giao ĐT.25C dạng nút giao liên thông, đầu tư cầu song hành vượt sông Rạch Chạy. Tổng mức đầu tư theo phương án này khoảng 3.298 tỷ đồng, vượt 714 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được Quốc hội thông qua. Ưu điểm của phương án này là đầu tư hoàn thiện các nút giao, sẽ không phải đầu tư nhiều lần gây ảnh hưởng giao thông trong thời gian khai thác.
Phương án 2 có tổng mức đầu tư 2.869 tỷ đồng, vượt 285 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt. Theo phương án này, sẽ đầu tư nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành dạng nút giao bán hoa thị, đầu tư cầu vượt nút giao ĐT.25C và ĐT.25B; phần đường gom ĐT.25C và ĐT.25B kết nối với đường song hành sẽ do huyện Nhơn Trạch đầu tư; đầu tư 2 cầu song hành vượt sông Rạch Chạy.
Theo phương án 3, đầu tư nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành dạng nút giao bán hoa thị, đầu tư cầu vượt nút giao ĐT.25C và ĐT.25B; phần đường gom ĐT.25C và ĐT.25B kết nối vào đường song hành do huyện Nhơn Trạch đầu tư; không đầu tư 2 cầu song hành vượt sông Rạch Chạy trong giai đoạn này. Tổng mức đầu tư theo phương án này nằm trong tổng mức đầu tư được duyệt. Tuy nhiên, nhược điểm là Vành đai 3 không kết nối liên thông đường song hành hai bên sông Rạch Chạy.
Để đảm bảo tiến độ chung, đồng thời phù hợp với hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, Ban QLDA ĐTXD Tỉnh kiến nghị xem xét lựa chọn Phương án 3.
Ngoài ra, khâu thẩm định hồ sơ thiết kế cơ bản (hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng) chậm so với kế hoạch chi tiết đề ra, Ban sẽ điều chỉnh đẩy nhanh tiến độ để bàn giao theo đúng tiến độ.