Các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ Việt Nam đang chiếm ưu thế vượt trội tại thị trường nội địa |
Bất chấp cảnh báo dư cung trong nước, cũng như khó khăn trên thị trường xuất khẩu, nhưng ngành xi măng lại chứng kiến sự đầu tư khủng nhất. Các dây chuyền lò đứng hiệu quả thấp, gây ô nhiễm đang dần được “dọn sạch”, thay vào đó là các dây chuyền mới, có công suất lớn, công nghệ hiện đại. Đặc biệt, tiến độ các dự án đều được xây dựng nhanh, nguồn tài chính ổn định, thay vì việc chủ yếu vay vốn nước ngoài như trước đây.
Chẳng hạn, Xi măng Sông Lam có công suất thiết kế 7,2 triệu tấn/năm, trong đó giai đoạn 1 là 4 triệu tấn/năm đang được gấp rút hoàn thành, dự kiến sản phẩm ra lò vào cuối năm 2016. Ngân hàng BIDV đã ký hợp tác tài trợ với The Vissai (chủ đầu tư Xi măng Sông Lam) để tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 và cảng Nghi Thiết để vận chuyển xi măng thuận tiện hơn.
Tháng 9/2016, Nhà máy Xi măng Long Sơn (Thanh Hóa) có công suất thiết kế 2,3 triệu tấn/năm sẽ đi vào sản xuất. Ông Trịnh Quang Hải, Tổng giám đốc Công ty TNHH Long Sơn cho biết: “Dự kiến trong tháng 5/2016 sẽ chạy thử một số thiết bị và tháng 6/2016 chạy toàn bộ nhà máy, tháng 9 sẽ đi vào sản xuất”. Nhà máy này cũng có tốc độ xây dựng đáng nể khi tháng 10/2014, UBND tỉnh Thanh Hóa cấp giấy chứng nhận đầu tư, thì khoảng 2 năm sản phẩm đã ra lò.
Tại Hà Nam, Xi măng Xuân Thành cũng đã ký hợp đồng nhập thiết bị của FL Smith (Đan Mạch) cho dây chuyền 2 có công suất thiết kế 4,5 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư 10.800 tỷ đồng.
Tại phía Nam, Xi măng FICO cũng đang gấp rút hoàn thiện thủ tục đầu tư, dự kiến khởi công vào cuối năm 2016. Được biết, có nhiều ngân hàng muốn tài trợ vốn cho dự án này, bởi Xi măng FICO là một số ít các công ty xi măng làm ăn hiệu quả và dây chuyền 2 cũng đã được chuẩn bị sẵn đầu ra. Ngoài ra, suất đầu tư không cao, hiệu quả thấy rõ cũng là lợi thế của FICO.
Nhìn chung, với sức đầu tư mới, dây chuyền thiết bị đồng bộ, công nghệ hiện đại, xi măng Việt Nam được kỳ vọng sẽ “át vía” hàng ngoại tại thị trường nội địa và có thể “tuyên chiến” ở thị trường xuất khẩu trong tương lai không xa.
Trong khi ngành xi măng đang dần khẳng định vị thế, thì các ngành khác như sắt thép, gốm sứ xây dựng, gạch ốp lát vẫn còn nguyên đó những lo toan.
Cuối tháng 1/2016, tờ Nation của Thái Lan đưa tin, Ban điều hành Tập đoàn SCG đã thông qua đề xuất mua tiếp 15% còn lại của Prime với giá khoảng 61,2 triệu USD. Nếu như thương vụ này hoàn tất, trên lĩnh vực gạch gốm ốp lát, SCG sẽ không có đối thủ tại Việt Nam. Khi mua 85% cổ phần của Prime năm 2012, SCG đã trở thành nhà sản xuất gạch men hàng đầu thế giới. Giờ đây, việc mua hết 15% cổ phần còn lại củng cố thêm vị trí của SCG trên thị trường gạch khu vực Đông Nam Á. Các doanh nghiệp Việt trên lĩnh vực này như Viglacera, Đồng Tâm, CMC… chắc chắn sẽ phải đương đầu với cạnh tranh quyết liệt hơn từ SCG, chưa kể đến cuộc chiến hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được nhập lậu từ Trung Quốc luôn hiện hữu.
Nội bộ ngành thép đang bất đồng về việc áp thuế tự vệ tạm thời đối với thép dài và phôi thép nhập khẩu. Tuy nhiên, việc Tôn Hoa Sen khởi công xây dựng nhà máy có tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng tại Hà Nam vào trung tuần tháng 3/2016 cho thấy, trên lĩnh vực tôn mạ, doanh nghiệp ngoại nếu muốn xâm nhập thị trường Việt Nam đều phải dè chừng, bởi Hoa Sen đang chiếm khoảng 40% thị phần tôn và gần 20% thị phần ống thép.
Trên lĩnh vực thép xây dựng, sau khi đưa nhà máy tại Hải Dương vào hoạt động đầu tháng 4/2016, tổng công suất thép Hòa Phát đạt 2 triệu tấn/năm. Công suất này cùng với lợi thế sẵn có giúp Hòa Phát trở thành đối thủ nặng ký đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, kể cả thép giá rẻ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, câu chuyện điều tra để áp dụng biến pháp tự vệ cho thấy, ngành thép Việt Nam vẫn chưa đủ sức “đè bẹp” đối thủ ngoại.
Như vậy, dù vẫn còn những khó khăn, lo lắng, nhưng những động thái thời gian qua cho thấy, thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam “không dễ chơi” đối với các doanh nghiệp ngoại.