Cầu Mỹ Thuận 1 nằm trên tuyến QL1 bắc qua sông Tiền, nối hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long |
Đây là đề xuất về Dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 trên tuyến cao tốc Trung Lương – Cần Thơ vừa được Ban quản lý dự án 7 trình lên Bộ Giao thông vận tải
Cụ thể, cầu Mỹ Thuận 2 có tổng chiều dài tuyến 4,05 km với điểm đầu tại Km103 + 700 (điểm giao giữa Quốc lộ 1 và đường dẫn cầu Mỹ Thuận hiện tại) tại tỉnh Tiền Giang; điểm cuối tại Km107+750 tại tỉnh Vĩnh Long.
Điểm nhấn tại Dự án là cầu dây văng Mỹ Thuận 2 có bề rộng 32 m, gồm 6 làn xe với nhịp chính được xây dựng kết cấu dây văng với sơ đồ nhịp là 240 m +550 m + 240 m; nhịp dẫn là dầm Super T, dài 40 m.
Phần được được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120 km/h, rộng 33 m, quy mô 6 làn xe. Tuyến đi qua địa phận 2 tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang với tổng diện tích chiếm dụng khoảng 71,2 ha.
Theo ước tính của Ban quản lý dự án 7, tổng mức đầu tư Dự án là khoảng 25 tỷ yên, tương đương 4.545 tỷ đồng, trong đó vay ODA Nhật Bản 20 tỷ yên, phần còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Cầu Mỹ Thuận 2 là một phần của đường cao tốc Tp.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, có vai trò quan trọng trong việc tăng năng lực giao thông qua sông Tiền và duy trì giao thông trên toàn tuyến.
Hiện, ¾ cầu lớn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang được xây dựng, trong đó cầu Cổ Chiên hoàn thành vào tháng 6/2015; Cao Lãnh, Vàm Cống hoàn thành vào năm 2017.
Theo tính toán lưu lượng giao thông thiết kế giờ cao điểm và sự phân bố giao thông khi hoàn thiện cầu Cao Lãnh, Vàm Cống cho thấy, nếu không xây dựng cầu Mỹ Thuận 2, cầu Mỹ Thuận hiện có trên Quốc lộ 1 sẽ bị quá tải, gây ùn tắc giao thông với lưu lượng xe lên tới trên 3.500 PCU/giờ.
Cầu Mỹ Thuận 1 nằm trên tuyến QL1 bắc qua sông Tiền, nối hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Dự án được khởi công ngày 6/7/1997 và hoàn thành ngày 21/5/2000. Cầu Mỹ Thuận có chiều dài 1.535m trong đó phần cầu dây văng dài 350m; rộng 23,66m; cao 116,5m. Tổng nguồn vốn đầu tư: 90,86 triệu đô la Úc, trong đó Chính phủ Úc tài trợ 66%, vốn đối ứng phía Việt Nam là 34%. Dự án do công ty Snowy Mountains Engineering Corp (Úc) nghiên cứu khả thi. Công ty Maunsell Engineering (Úc) thiết kế. Chủ đầu tư là Bộ GTVT. Công ty Baulderstone Hornibrook (Úc) là nhà thầu chính, với sự trợ giúp của Freyssinet (Pháp) trong việc kéo dây cáp. Nhà thầu phụ là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6.