Ảnh minh họa: Internet |
Từ năm 2010, Việt Nam bước vào nước có thu nhập trung bình. Thành quả phát triển này đồng thời cũng đặt ra cho Việt Nam những thách thức phát triển mới, đó là thách thức vượt qua bẫy thu nhập trung bình mà nhiều nước đã gặp phải, đồng thời tránh nguy cơ tụt hậu. Trong bối cảnh các nhân tố trước đây đóng vai trò động lực cho tăng trưởng như thâm dụng vốn, lao động, tài nguyên thiên nhiên,… đến nay đã tới hạn, tăng năng suất được coi là một trong các giải pháp lâu dài cho Việt Nam phát triển bền vững.
Để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh nguy cơ tụt hậu, Việt Nam cần khai thác và phát huy được các nhân tố động lực tăng trưởng mới. Kinh nghiệm của các nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững trên thế giới cho thấy tăng năng suất là một trong những nhân tố trung tâm và động lực tạo ra sự phát triển bền vững, bứt phá của một quốc gia. Mặc dù vậy, tại Việt Nam thời gian gần đây nhân tố này lại đang có dấu hiệu chững lại. Nếu không có những cải cách căn bản để tăng năng suất, Việt Nam có nguy cơ tụt hậu so với các nền kinh tế trong khu vực và rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
VDF 2017 sẽ thảo luận về thực trạng và các trở ngại cho việc tăng năng suất tại Việt Nam, từ đó đề ra các giải pháp cụ thể để thúc đẩy tăng năng suất. Bộ KH&ĐT sẽ phối hợp với các đối tác phát triển và các cơ quan liên quan mời các chuyên gia có uy tín trong và ngoài nước phân tích sâu vấn đề này, chia sẻ kinh nghiệm của các nước đi trước để hoạch định chính sách tăng năng suất cho Việt Nam. Theo chương trình nghị sự dự kiến, Diễn đàn sẽ xoay quanh 2 chủ đề chính “Tăng trưởng năng suất - xu thế toàn cầu và thách thức tại Việt Nam” và “Giải phóng năng suất vì sự phát triển bền vững của Việt Nam”.