Vẽ lại bản đồ thị phần xi măng Việt

(BĐT) - Thời gian qua, thị trường xi măng Việt Nam luôn trong tình trạng cung vượt cầu, nhiều doanh nghiệp trong ngành đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn. 
Một số doanh nghiệp tư nhân đã trở thành “hiện tượng” của ngành xi măng nhờ nguồn tài chính tốt, đầu tư công nghệ hiện đại. Ảnh: Nam Thành
Một số doanh nghiệp tư nhân đã trở thành “hiện tượng” của ngành xi măng nhờ nguồn tài chính tốt, đầu tư công nghệ hiện đại. Ảnh: Nam Thành

Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của những tập đoàn xi măng lớn, năng lực quản trị tốt như Xi măng Xuân Thành, Xi măng Thành Thắng, The Vissai, Tập đoàn Siam City Cement (SCC) của Thái Lan, Công ty TNHH Long Sơn… sẽ khiến thị phần xi măng nội địa chắc chắn phải phân chia lại.

Lợi thế của người đến sau

Trong 2 năm gần đây, một số doanh nghiệp tư nhân như Xuân Thành, Thành Thắng, The Vissai, Long Sơn… đã trở thành “hiện tượng” của ngành xi măng với đặc điểm chung: công suất lớn, xây dựng nhanh, công nghệ thiết bị hiện đại. Đây là lợi thế mà các nhà sản xuất đi trước khó có thể đạt được. Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) - nhà sản xuất đang chiếm trên 35% thị phần - cũng chưa hẳn là đối thủ của các thương hiệu này trong tương lai.

Đơn cử, Thành Thắng trong 2 năm 2016 - 2017 đã khánh thành 2 dây chuyền với tổng công suất 5 triệu tấn xi măng/năm; Long Sơn cũng liên tiếp đưa 2 dây chuyền vào hoạt động với tổng công suất 5 triệu tấn/năm. The Vissai trong 20 tháng cũng đã đưa dây chuyền 1 và 2 tại giai đoạn 1 Dự án Xi măng Sông Lam với công suất 4 triệu tấn/năm vào hoạt động.

Ngoài ra, trung tuần tháng 10/2017, The Vissai đã đưa cầu cảng biển Vissai Nghệ An vào sử dụng, phục vụ cho tàu 70 tấn ra vào bốc xếp hàng hóa. Như vậy, The Vissai là tập đoàn thứ 2 sau Xi măng Nghi Sơn xây dựng cảng riêng. Với lợi thế chủ động trong khâu vận tải, sản phẩm xi măng của The Vissai sẽ chiếm ưu thế hơn so với các doanh nghiệp trên cùng địa bàn.

Đầu tháng 10/2017, Xuân Thành cũng đã đốt lò dây chuyền 2 có công suất tương đương 4,5 triệu tấn xi măng/năm. Lãnh đạo Tập đoàn Xuân Thành cho biết, sau khi dây chuyền 2 hoạt động sẽ tiếp tục đầu tư dây chuyền 3, nâng tổng công suất của tập đoàn này tại Hà Nam lên 10 triệu tấn/năm. Tham vọng của Xuân Thành không chỉ dừng lại ở con số 10 triệu tấn/năm, mà sau khi đưa một số nhà máy tại Hà Nam, Quảng Nam và Bình Phước vào hoạt động, dự kiến tổng công suất của tập đoàn này sẽ được nâng lên 20 triệu tấn/năm.

Thị phần xi măng nội địa sẽ được chia lại

Thị phần xi măng nội địa chưa có nhiều biến động qua 2 quý đầu năm 2017, dù vậy, theo ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, việc “chia lại” thị phần sẽ sớm xảy ra bởi các nhà sản xuất ra đời sau có giá bán rất cạnh tranh tại thị trường nội địa. Hiện nay, họ đang xuất khẩu mạnh, nhưng không có nghĩa là họ bỏ qua thị trường nội địa. Ông Cung cũng cho biết, việc đánh thuế xuất khẩu 5% đối với xi măng chắc chắn sẽ khiến sức ép tiêu thụ dồn vào thị trường nội địa.

Trở lại với cuộc khủng hoảng xi măng giai đoạn 2011 - 2013, các ông lớn đầu ngành như Vicem vẫn trụ vững do chiếm lĩnh thị phần trong khối dân sinh và sở hữu nhiều dây chuyền tiên tiến. Các doanh nghiệp xi măng “hụt hơi” trong giai đoạn này thường là do vốn vay quá lớn, hoặc sử dụng thiết bị Trung Quốc nên sức cạnh tranh yếu. Còn trong thời gian gần đây, các tập đoàn mới nổi đa phần đều có nguồn tài chính tốt, đầu tư công nghệ hiện đại nên không dễ gì bị các thương hiệu lâu đời chèn ép.

Ngoài các tập đoàn trong nước, khối liên doanh như SCC cũng tạo áp lực lớn cho thị trường xi măng nội địa. Sở hữu 65% cổ phần của Lafarge Holcim Việt Nam và đổi tên thành Công ty Xi măng INSEE Việt Nam đã thấy rõ ý đồ của “ông lớn” Thái Lan này. Hiện nay, TP.HCM đã “cấm cửa” đầu tư mới đối với nhà máy cũng như trạm nghiền xi măng, thay vào đó là xây dựng các trạm tiếp nhận, phân phối. Trước đó, giai đoạn 2005 - 2007, các doanh nghiệp xi măng của Thái Lan đã xuất khẩu clinker vào khu vực phía Nam. Giá bán và chất lượng clinker của Thái Lan vẫn khá cạnh tranh nên nếu có “điều kiện tốt” thì việc xuất clinker vào thị trường phía Nam rất có thể xảy ra, dù thời điểm này INSEE Việt Nam chưa có động tĩnh gì.

Không riêng gì TP.HCM, tháng 10/2017, tỉnh Bến Tre cũng đã thu hồi chủ trương đầu tư trạm nghiền xi măng công suất 1 triệu tấn/năm của DIC-INTRACO do dự án này nằm ngoài quy hoạch và vấp phải sự phản đối kịch liệt từ người dân.

Hiện lượng cung cấp tại chỗ của các dự án xi măng tại phía Nam cho TP.HCM khoảng trên 10 triệu tấn/năm, vẫn thiếu khoảng 3,5 triệu tấn nên đây sẽ là cơ hội cho các nhà sản xuất mới trên thị trường. Như vậy, thị phần xi măng nội địa sẽ bị chia lại, nhiều khả năng miếng bánh dành cho khối công ty nhà nước và Vicem sẽ nhỏ đi đáng kể.