VEC và “món nợ” tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 5 năm sau khi đưa vào khai thác, một số tồn tại liên quan đến tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vẫn chưa được xử lý, nhất là việc trả lại các tuyến đường dân sinh mượn của địa phương trong quá trình thi công. Không những vậy, nút giao Dung Quất đã ngừng thi công để chờ lún gần 5 năm vẫn trong tình trạng dở dang.
- 5 năm sau khi đưa vào khai thác, một số tồn tại liên quan đến tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vẫn chưa được xử lý. Ảnh Internet
- 5 năm sau khi đưa vào khai thác, một số tồn tại liên quan đến tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vẫn chưa được xử lý. Ảnh Internet

Tháng 5/2022, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), ông Trương Việt Đông khẳng định, VEC cam kết sẽ hoàn trả, hoàn thành thi công các tuyến đường, khắc phục, bồi thường thiệt hại ảnh hưởng đến dân sinh trong quý IV/2022. Tuy nhiên, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã cho VEC thêm 3 tháng (tức là đến 31/3/2023) để quá trình thi công không bị ảnh hưởng bởi mùa mưa bão và Chủ đầu tư có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, thiết bị, chi phí hoàn thành cam kết của mình.

Tuy nhiên, đã gần hết tháng 3/2023, vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy việc thi công trả lại tuyến đường dân sinh và các vấn đề liên quan khác được tiến hành. VEC đã không giữ cam kết, người dân Quảng Ngãi tiếp tục gửi đơn đến Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị chỉ đạo VEC và Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hoàn trả mặt đường đã xuống cấp, hư hỏng trầm trọng gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến đi lại, giao thương và sản xuất; khắc phục tình trạng ngập úng tại các khu dân cư, hoàn thiện nút giao Dung Quất nối cao tốc về hướng Khu kinh tế Dung Quất dở dang nhiều năm nay.

Phản hồi thông tin với người dân Quảng Ngãi, theo Bộ GTVT, trên địa bản tỉnh Quảng Ngãi, các nhà thầu sử dụng 23 tuyến đường địa phương với tổng chiều dài khoảng 55,6 km để phục vụ thi công Dự án. Trong đó 6 tuyến đường (tổng chiều dài khoảng 19,4 km đã được hoàn trả hoàn toàn, 1 tuyến nhà thầu sửa chữa hoàn trả được 0,5 km/tổng chiều dài là 1 km. 16 tuyến còn lại với chiều dài khoảng 37 km chưa được nhà thầu sửa chữa hoàn trả. Bộ GTVT cho biết đã có văn bản đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp chỉ đạo VEC xử lý những tồn tại trên. Tuy nhiên, vẫn chưa được VEC triển khai thực hiện.

Về phần mình, VEC cho biết đã liên tục có văn bản gửi đến các nhà thầu, đề nghị thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tại Dự án. Tuy nhiên, đến nay, các nhà thầu vẫn chưa chấp hành yêu cầu của Chủ đầu tư. Đối với hạng mục đường gom, VEC sẽ tiếp tục làm việc, phân khai rõ trách nhiệm và hướng xử lý với nhà thầu. Khó khăn hiện nay là phần vốn thực hiện, VEC sẽ tiến hành thỏa thuận với nhà thầu về giải pháp vốn và thi công hoàn trả các hạng mục liên quan.

“Phương án là khi các nhà thầu chưa thể thực hiện, VEC sẽ bố trí vốn làm trước. Sau đó, nhà thầu chi trả phần vốn VEC đã ứng để hoàn thành công việc vốn thuộc trách nhiệm của họ nhằm giải quyết vấn đề cấp bách trước mắt, tránh sự bức xúc kéo dài trong dư luận. Ước tính chi phí hoàn thành các hạng mục còn tồn đọng tại tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi khoảng hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến báo cáo cấp có thẩm quyền sử dụng nguồn thu phí từ các dự án cao tốc đang khai thác khoảng 1.200 tỷ đồng. Số còn lại, phương án là vay vốn Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để thực hiện. Phương án này phải được các nhà thầu đồng thuận và cam kết thực hiện trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là giải pháp, còn phải cụ thể hóa bằng văn bản và hơn hết là có nguồn vốn để thực hiện”, lãnh đạo VEC thông tin.

Theo báo cáo của VEC, nguyên nhân việc sửa chữa, hoàn trả các tuyến đường địa phương và đền bù bồi lấp đất canh tác của dân bị chậm là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lãnh đạo nhà thầu thi công Gói thầu A3 (quốc tịch Trung Quốc) chưa thể sang Việt Nam để chỉ đạo thực hiện. Một số đoạn đường ngang, đường gom chưa triển khai thi công do vướng mắc về giải phóng mặt bằng và vướng mắc về nguồn vốn để thực hiện từ tháng 4/2019 đến nay - thời điểm hiệp định vay vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) hết hiệu lực. Với nút giao Dung Quất, các nhánh nút giao nằm trong khu vực nền đất yếu phải xử lý bằng giải pháp kỹ thuật là cắm bấc thấm, đắp gia tải và theo dõi lún. Đến thời điểm các hiệp định vay vốn của WB cho Dự án hết hiệu lực, công tác xử lý nền đất yếu tại nút giao này vẫn chưa hoàn thành.

Tin cùng chuyên mục