VETC xin trả lại dự án thu phí không dừng

VETC đề nghị dừng hoặc trả lại dự án thu phí không dừng cho Nhà nước vì dự án bị chậm triển khai, dẫn đến "lỗ hàng trăm tỷ đồng".
Làn thu phí không dừng luôn thông thoáng hơn các làn xe thông thường.
Làn thu phí không dừng luôn thông thoáng hơn các làn xe thông thường.

Ông Hồ Trọng Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC), cho biết công ty đã gửi bản kiến nghị đến Bộ Giao thông Vận tải, phản ánh khó khăn của dự án thu phí không dừng.

Qua mấy năm, VETC mới dán được 812.000 thẻ thu phí không dừng trong tổng số 3 triệu phương tiện cả nước, một số trạm thu phí trên cao tốc chưa lắp đặt hệ thống thu phí do nhà đầu tư chậm triển khai. "Dự án gặp nhiều khó khăn, nhà đầu tư đã lỗ hàng trăm tỷ đồng", ông Vinh nói.

Sau khi xem xét đề xuất của VETC, chiều 14/11, Bộ Giao thông Vận tải ra thông báo yêu cầu nhà đầu tư tiếp tục thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết, Nhà nước không đồng ý tiếp nhận dự án.

Để giải quyết khó khăn của VETC, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các lực lượng chức năng kiểm soát phân luồng tại trạm thu phí để khuyến khích chủ phương tiện dán thẻ không dừng. Bộ cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ lắp đặt hệ thống thu phí không dừng tại các trạm còn lại.

Theo hợp đồng ký với Bộ Giao thông Vận tải, VETC sẽ cung cấp dịch vụ thu phí không dừng cho nhà đầu tư BOT. Giai đoạn 1 của dự án được triển khai tại 44 trạm BOT, bao gồm 26 trạm trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, 18 trạm trên các cao tốc và quốc lộ khác. Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã đàm phán, ký kết hợp đồng thu phí không dừng với 35 trong 39 trạm, 4 trạm đang bàn thảo.

Hiện nay VETC đã vận hành 25 trong số 26 trạm trên quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (một trạm chưa lắp đặt do phải di rời vị trí) và 13 trạm trên các quốc lộ khác. 5 tuyến cao tốc do VEC quản lý chỉ có một tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình đang lắp đặt thiết bị, dự kiến vận hành trong năm 2019, 4 tuyến còn lại chưa thể triển khai do khó khăn về nguồn vốn nên không thể hoàn thành trong năm 2019 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Nguyên nhân chậm triển khai thu phí không dừng tại một số tuyến cao tốc là chủ đầu tư chưa bố trí được nguồn vốn để đầu tư hệ thống thiết bị và vướng mắc về đàm phán tỷ lệ trích doanh thu giữa chủ đầu tư và đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng.

Ngoài ra, hiện nay số lượng phương tiện dán thẻ (e-tag) chưa cao do chủ xe vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt. Việc bắt buộc phương tiện chưa dán thẻ không được đi qua làn thu phí tự động không dừng cần có lộ trình và chế tài.

Dịch vụ thu phí tự động đường bộ áp dụng công nghệ RFID để nhận diện phương tiện xe cơ giới có gắn thẻ định danh được dán lên kính hoặc đèn xe. Từ đó, thiết bị đọc gắn tại trạm thu phí sẽ trừ tiền của chủ xe. Chủ xe có thể nạp tiền vào tài khoản bằng tiền mặt, Internet banking...

Theo kế hoạch, 44 trạm BOT trên cả nước đều phải triển khai làn thu phí tự động không dừng trước 31/12/2019 và một thẻ có thể đi qua tất cả trạm. Những xe mua vé tháng, vé quý đều phải dán thẻ thu phí không dừng

Thời gian tới, các xe không dán thẻ đi vào làn thu phí tự động sẽ bị xử phạt theo Điều 5, Nghị định 46 với mức phạt từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng (người điều khiển xe đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định).

Tin cùng chuyên mục