Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Khả năng dự phòng ngân sách không cao
Một trong những nội dung rất được quan tâm tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra là việc tăng lương cho cán bộ, công chức từ ngày 1/7 năm nay. Theo kế hoạch, nguồn chi tăng lương vào khoảng hơn 60.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trước những khó khăn, tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và ước tính thu ngân sách nhà nước năm nay giảm thu khoảng 150 nghìn tỷ đồng, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc tạm dừng tăng lương.
Theo PGS. TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, đây là một trong những sự việc cho thấy ngân sách nhà nước dự phòng cho các tình huống khẩn cấp là không cao, từ đó đặt ra câu hỏi: “Phải chăng hệ thống thu ngân sách nhà nước chưa ổn định và bền vững?”.
Về trung và dài hạn, có thể thấy, thu ngân sách nhà nước còn đứng trước những thách thức mang tính hệ thống. Đáng chú ý là chính sách thuế vừa phải góp phần tăng thu lại vừa phải bảo đảm có tính cạnh tranh trong quá trình hội nhập. Trong những năm gần đây, tỷ lệ thu thuế trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đã giảm từ mức khoảng 22,2% GDP năm 2006 xuống mức 17,8% GDP năm 2019.
Theo PGS. TS. Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, tỷ lệ thu thuế so với GDP giảm có một phần nguyên nhân là mức lợi nhuận của doanh nghiệp giảm mạnh trong những năm gần đây. Đồng thời, sự cạnh tranh về thuế suất trong khu vực cũng đòi hỏi Việt Nam giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp. “Điều này tạo ra nguy cơ xói mòn cơ sở tính thuế. Việc nguồn thu suy giảm khiến chính sách tài khóa bị thu hẹp không gian chính sách, cả từ phía thu và chi”, ông Thế Anh nói.
Trong khi đó, những nỗ lực tăng cơ sở thu thuế như áp dụng thuế tài sản, tăng thuế giá trị gia tăng đều không nhận được sự đồng thuận của người dân với phần lớn lý do là người dân hoài nghi về hiệu quả thực thi chính sách. “Thực tế, chỉ có khoảng 1% số người dân chịu tác động nếu Luật Thuế tài sản (như Dự thảo được Bộ Tài chính soạn thảo) được áp dụng, nhưng toàn dân lại phản đối bởi e ngại không biết tiền thuế thu được có được chi dùng và phục vụ cho chính họ hay không?”, ông Vũ Sỹ Cường nói.
Khó khăn về nguồn thu cũng dẫn đến những bài toán không dễ giải quyết về chi ngân sách nhà nước cho an sinh xã hội.
Nuôi dưỡng nguồn thu bền vững
Từ thực tế trên cùng với bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần có những cải cách trong cả môi trường kinh doanh lẫn hệ thống thuế để nuôi dưỡng nguồn thu, cải thiện tính minh bạch, công bằng và lành mạnh cho hệ thống thuế.
Theo PGS. TS. Phạm Thế Anh, phải không ngừng nỗ lực đơn giản về thủ tục, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm các chi phí không cần thiết, và tăng niềm tin vào hiệu quả thực thi chính sách thu - chi từ tính công khai, minh bạch.
Thực tế vẫn còn tồn tại nhiều bất cập trong công khai ngân sách và chi tiêu của Chính phủ. Quyết toán ngân sách còn chậm được công khai. Số liệu về khoản thu ngân sách bị hao hụt do miễn, giảm thuế ở Việt Nam không được thống kê. Việc quản trị ưu đãi thuế của Việt Nam đang gây tranh cãi về tính minh bạch.
Do đó, PGS. TS. Phạm Thế Anh khuyến nghị, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác công khai và minh bạch các số liệu về thu chi ngân sách nhà nước. Việc này phải bao gồm công khai số liệu về người nộp thuế, số liệu về chi qua thuế, đặc biệt là ưu đãi thuế trong các báo cáo nộp ngân sách hàng năm và phải bảo đảm công khai một cách kịp thời, phù hợp với các thông lệ quốc tế.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, việc công khai, minh bạch sẽ góp phần giảm tình trạng trốn, tránh thuế, từ đó cải thiện nguồn thu.