4 dự án đường sắt quan trọng, cấp bách với tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng đều gặp vướng mắc về mặt bằng. Ảnh: Quang Tuấn |
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, 4 dự án đường sắt quan trọng, cấp bách với tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2021 nhưng đến nay vẫn chậm tiến độ.
Bốn dự án này bao gồm: Dự án Cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM (tổng mức đầu tư 1.950 tỷ đồng); Dự án Gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang (tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng); Dự án Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh (tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng); Dự án Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn (tổng mức đầu tư 1.850 tỷ đồng).
Các dự án đi qua 17 tỉnh, thành phố, nhưng đến nay mới có 5 tỉnh hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB); 8 tỉnh đã bàn giao được một phần mặt bằng gồm: Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Thuận, Đồng Nai, Phú Yên; 4 địa phương bàn giao mặt bằng chậm là Hà Nội, Hà Nam, Quảng Trị, Đà Nẵng. Hiện 4 địa phương này đang hoàn chỉnh hồ sơ để phê duyệt phương án bồi thường GPMB, dự kiến hoàn thành công tác GPMB tại Đà Nẵng và Quảng Trị trước ngày 30/3/2022. Công tác GPMB tại TP. Hà Nội chưa có chuyển biến, tiến độ chậm kéo dài.
Trong số 35 gói thầu thuộc 4 dự án, hiện đã lựa chọn xong nhà thầu của 34 gói. 4 gói thầu triển khai chậm so với kế hoạch khoảng 7,5%; khối lượng thực hiện trung bình đạt 84,18%.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện một nhà thầu đang thi công Gói thầu XL-CY-04 Thi công 15 cầu địa phận từ Hà Nội (cầu Km14+598) đến Thanh Hóa (cầu Km240+748) thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM cho biết, công trình chậm tiến độ vì việc bàn giao mặt bằng của địa phương “nhỏ giọt”, nhà thầu vừa thi công vừa bảo đảm an toàn giao thông nên việc đẩy nhanh tiến độ rất khó khăn. Hiện nay, Bộ GTVT đã đồng ý điều chỉnh thời gian hoàn thành của 4 dự án trong năm 2022, riêng 3 gói thầu đặc thù sẽ hoàn thành vào tháng 10/2023.
Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết, Dự án Cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên Quốc lộ 25 (tổng mức đầu tư 850 tỷ đồng) theo kế hoạch hoàn thành tháng 12/2021 nhưng đến nay vẫn chưa xong. Trong đó, Dự án thành phần 1 do Sở GTVT Phú Yên làm chủ đầu tư bị chậm tiến độ. Tháng 12/2021, Bộ GTVT đã phải gia hạn (lần 2) thời gian hoàn thành đến tháng 3/2022. Đến nay, khối lượng thi công đạt 93,4%, tăng 2,5% so với tháng 1/2022 (kế hoạch điều chỉnh đến tháng 2/2022 là 94%).
Dự án thành phần 2 (dài 17,7 km, gồm 3 gói thầu xây lắp, do Ban Quản lý dự án 6 làm chủ đầu tư) theo kế hoạch hoàn thành tháng 12/2021 nhưng 1 gói thầu xây lắp chậm 13,5% khối lượng so với kế hoạch do địa phương bàn giao mặt bằng chậm. Bộ GTVT đã gia hạn thời gian hoàn thành đến tháng 3/2022 nhưng Gói thầu khó có thể hoàn thành theo mốc thời gian này.
Dự án thành phần 3 do Sở GTVT tỉnh Gia Lai làm chủ đầu tư đã hoàn thành vào cuối năm 2021. Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, lãnh đạo Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 cho biết, việc địa phương sớm bàn giao mặt bằng thi công đã tạo điều kiện cho nhà thầu thực hiện công trình đúng tiến độ.
Một công trình quan trọng, cấp bách nữa cùng chung tình trạng chậm tiến độ là Dự án Cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên Quốc lộ 24 (tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng). Trong đó, Dự án thành phần 2 (dài 31,3 km, gồm 3 gói thầu xây lắp, do Sở GTVT Kon Tum làm chủ đầu tư) theo kế hoạch hoàn thành vào tháng 12/2021, nhưng Bộ GTVT đã phải 2 lần gia hạn thời gian hoàn thành. Hiện 2 gói thầu xây lắp thuộc Dự án chậm 6% so với kế hoạch. Mới đây, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đã tổ chức kiểm tra hiện trường và yêu cầu Sở GTVT Kon Tum chỉ đạo nhà thầu lập lại tiến độ theo tuần, kiểm soát chặt chẽ tiến độ, đảm bảo hoàn thành trước ngày 30/6/2022. Do Dự án đã gia hạn nhiều lần nên đến ngày 30/6/2022, nếu không hoàn thành, Bộ sẽ xem xét không giao Sở GTVT Kon Tum làm chủ đầu tư các dự án tiếp theo; đồng thời, đánh giá năng lực các nhà thầu thi công chậm trễ để xem xét khi triển khai các dự án khác.