Vì sao Bình Thuận xin chỉ định nhà đầu tư sân bay Phan Thiết?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tỉnh Bình Thuận đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc chấm dứt hợp đồng BOT và xin chỉ định nhà đầu tư thay thế thực hiện hạng mục dân dụng Dự án Cảng hàng không Phan Thiết. Đâu là lý do địa phương này xin chỉ định nhà đầu tư và dự án này có thực sự hấp dẫn với nhà đầu tư?
Phối cảnh sân bay Phan Thiết. Ảnh internet
Phối cảnh sân bay Phan Thiết. Ảnh internet

Rút ngắn thời gian hạng mục dân dụng

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, việc xem xét chỉ định nhà đầu tư mới để rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tiến độ hạng mục dân dụng Dự án Cảng hàng không Phan Thiết là hết sức cần thiết.

Tại Văn bản số 2854/UBND-ĐTQH (ngày 2/8/2023) báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tỉnh Bình Thuận cho biết, Cảng hàng không Phan Thiết là sân bay lưỡng dụng (dùng chung dân dụng và quân sự). Tiến độ triển khai hạng mục hàng không quân sự dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng cuối năm 2023 và sau tháng 11/2023, Trung đoàn 920 sẽ đóng quân, thực hiện nhiệm vụ tại sân bay Phan Thiết. Do đó, việc triển khai xây dựng hạng mục dân dụng Cảng hàng không Phan Thiết phải đảm bảo các yếu tố an ninh, quốc phòng, bảo vệ bí mật của hạng mục quân sự, nên cần triển khai xây dựng đảm bảo đồng bộ, không gây ảnh hưởng đến hoạt động của các hạng mục quân sự khi đã đưa vào khai thác, sử dụng. Đồng thời, một số hạng mục dùng chung cho cả sân bay, nhưng thuộc phần dân dụng đầu tư (hệ thống thoát nước từ khu bay, khu quân sự thoát ra hồ điều hòa, hàng rào bảo vệ,…) cần được đầu tư xây dựng đồng bộ, kịp thời với tiến độ của hạng mục quân sự để đảm bảo khi hạng mục quân sự đưa vào hoạt động; nếu chậm triển khai sẽ gây trở ngại, ảnh hưởng đến việc khai thác và an ninh, an toàn bay của khu quân sự cũng như an toàn cho quá trình xây dựng hạng mục dân dụng.

Tuy nhiên, thực hiện chủ trương điều chỉnh quy hoạch sân bay Phan Thiết (nâng cấp và tăng quy mô đón khách), hiện UBND tỉnh Bình Thuận đã ký văn bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với nhà đầu tư trước và đang triển khai các trình tự thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư mới thay thế.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án (từ cấp 4C lên 4E) theo quy hoạch đã điều chỉnh, nếu tổ chức thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định thì dự kiến thời gian hoàn thành các thủ tục sớm nhất đến khoảng tháng 8/2024 mới lựa chọn xong nhà đầu tư thay thế và dự kiến đến cuối năm 2025 mới hoàn thành hạng mục hàng không dân dụng. Trong khi đó, hạng mục hàng không quân sự dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng cuối năm 2023. Như vậy sẽ không đảm bảo được thời gian để Dự án Cảng hàng không Phan Thiết được khai thác, vận hành đồng bộ giữa hạng mục quân sự và hạng mục dân dụng, không đảm bảo các yếu tố an ninh, quốc phòng, bí mật quân sự. Đồng thời, việc tổ chức thi công xây dựng hạng mục dân dụng kéo dài, trong khi khu bay quân sự đã khai thác sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động và an toàn của các hạng mục quân sự khi đã đưa vào sử dụng.

UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng, 1 trong 5 căn cứ để đề xuất chỉ định nhà đầu tư hạng mục dân dụng Cảng hàng không Phan Thiết là căn cứ vào Khoản 1 Điều 39 Luật PPP. Khoản này quy định, chỉ định nhà đầu tư được áp dụng trong các trường hợp dự án cần đảm bảo yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước. Ngoài ra, trường hợp chỉ định nhà thầu tư theo quy định vừa nêu thì trước khi chỉ định nhà đầu tư phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận trên cơ sở ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Nếu được chấp thuận chủ trương chỉ định nhà đầu tư, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ thực hiện các trình tự thủ tục chỉ định nhà đầu tư trong nước có năng lực, kinh nghiệm xây dựng, quản lý, khai thác sân bay để thực hiện Dự án, quyết tâm hoàn thành hạng mục hàng không dân dụng Cảng hàng không Phan Thiết trong quý IV/2024.

Có hấp dẫn với nhà đầu tư?

Theo tìm hiểu, hệ thống cảng hàng không Việt Nam hiện có 22 cảng hàng không được phân bố đều cho các vùng miền, trong đó có 9 cảng hàng không quốc tế, 13 cảng hàng không nội địa. Hệ thống này được quản lý khai thác theo 2 mô hình là doanh nghiệp nhà nước (Tổng công ty CP Cảng hàng không Việt Nam (ACV), doanh nghiệp do Nhà nước nắm 95,45% cổ phần) và doanh nghiệp dự án PPP (Công ty CP Đầu tư phát triển Vân Đồn - thuộc Tập đoàn Sun Group). Đáng chú ý, trên tổng số 22 dự án, hiện chỉ có 6 dự án cảng hàng không có lãi.

Hiện số lượng cảng hàng không có vốn xã hội hóa rất hữu hạn. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, hiện ACV đã góp vốn thành lập doanh nghiệp dự án để đầu tư Nhà ga hành khách quốc tế Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Đà Nẵng, Nhà ga quốc tế Cảng HKQT Cam Ranh, Nhà để xe quốc nội Cảng HKQT Tân Sơn Nhất với số vốn thành lập doanh nghiệp dự án khoảng 7.494 tỷ đồng, ngoài ra là số vốn huy động đầu tư công trình dịch vụ khoảng 8.896 tỷ đồng. So với số vốn đầu tư cảng hàng không giai đoạn 2011 - 2020 khoảng 95.027 tỷ đồng thì vốn xã hội hóa đầu tư các dự án trên chiếm khoảng 24,1%. Các dự án PPP cảng hàng không không có sự tham gia của ACV gồm: Cảng HKQT Vân Đồn đã hoàn thành đi vào hoạt động với số vốn huy động đầu tư 6.524 tỷ đồng; Cảng hàng không Sa Pa đang tổ chức lựa chọn nhà thầu và Khu hàng không dân dụng Cảng hàng không Phan Thiết đang điều chỉnh chủ trương; Cảng hàng không Quảng Trị đang lập dự án.

Dưới góc độ thuần túy về kinh tế, hoạt động đầu tư cảng hàng không không hấp dẫn nhà đầu tư. Hiện tại, số lượng cảng hàng không có lãi ít hơn rất nhiều so với lượng cảng hàng không chưa cân đối đủ thu/chi dẫn đến khó đảm bảo nguồn vốn. Do vậy, quyết định đầu tư PPP công trình cảng hàng không không hề đơn giản bởi ngoài suất đầu tư lớn, doanh thu nhỏ, khả năng nhà đầu tư phải bù lỗ hàng chục năm sau khi dự án cảng hàng không đi vào hoạt động.

Trong bối cảnh như vậy, việc tìm nhà đầu tư PPP cho Dự án Khu hàng không dân dụng Cảng hàng không Phan Thiết có hấp dẫn nhà đầu tư không là một ẩn số.

Cho dù áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi hay chỉ định nhà đầu tư trong nước thì theo quy định phải chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đầu tư dự án cảng hàng không tương tự.

Dự án Đầu tư xây dựng sân bay Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, hạng mục hàng không dân dụng được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư theo hình thức BOT vào tháng 9/2014.

Ngày 29/12/2014, UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (Quyết định số 4236/QĐ-UBND). Ngày 20/9/2016, Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) Dự án Đầu tư xây dựng công trình sân bay Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng (số 2741/HĐ.BOT-UBND) được ký kết giữa UBND tỉnh Bình Thuận và Công ty CP Rạng Đông.

Theo đó, quy mô đầu tư xây dựng khu bay gồm: Xây dựng 1 đường lăn nối vào sân đỗ máy bay kích thước 253,5 m x 15 m, lề đường lăn mỗi bên rộng 5 m; sân đỗ máy bay dân dụng đáp ứng 3 vị trí đỗ máy bay;… Xây dựng khu hàng không dân dụng gồm: Nhà ga hành khách diện tích 5.200 m2, sân đỗ ô tô trước nhà ga diện tích 17.337 m2. Ngoài ra, xây dựng khu phục vụ kỹ thuật và thương mại, các hạng mục hỗ trợ, phục vụ cho hoạt động của sân bay. Dự án có tổng mức đầu tư 1.548,629 tỷ đồng. Thời gian xây dựng 3 năm, thời gian thu phí hoàn vốn 70 năm và dự kiến khởi công 2015, hoàn thành năm 2018.

Sau khi ký kết hợp đồng BOT, để đảm bảo sự phát triển lâu dài, khai thác các đường bay quốc tế, nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác của sân bay, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Công ty CP Rạng Đông đã có văn bản đề xuất, UBND tỉnh Bình Thuận, Bộ Quốc phòng đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương nâng cấp sân bay từ cấp 4C lên cấp 4E, kéo dài đường cất hạ cánh từ 2.400 m lên 3.050 m, quy mô xây dựng phù hợp quy hoạch định hướng đến 2030, yêu cầu phát triển ngành hàng không và nhiệm vụ quốc phòng.

Ngày 23/2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 236/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Bộ Giao thông vận tải phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Phan Thiết giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, sân bay Phan Thiết được điều chỉnh từ sân bay cấp 4C, đường cất hạ cánh dài 2.400 m, công suất khai thác 500.000 hành khách/năm lên thành cảng hàng không quốc nội cấp 4E, đường cất hạ cánh dài 3.050 m, nhà ga hành khách có công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm.

Trên cơ sở Quy hoạch được duyệt, tỉnh Bình Thuận và Công ty CP Rạng Đông đã triển khai công tác lập điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở. Tuy nhiên, thời điểm đầu năm 2021, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) có hiệu lực thi hành. Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 18 Luật PPP, do Dự án điều chỉnh quy hoạch từ sân bay cấp 4C thành cảng hàng không cấp 4E làm thay đổi quy mô đầu tư, tăng tổng mức đầu tư trên 10% nên phải thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Do quy mô Dự án thay đổi lớn, tổng mức đầu tư tăng cao so với dự án đầu tư được duyệt nên cần xem xét lại việc lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện theo quy mô mới và theo quy định hiện hành. Ngày 22/4/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã có buổi làm việc với đại diện Công ty CP Rạng Đông. Qua rà soát các điều khoản hợp đồng, thực tế tình hình triển khai thực hiện Dự án, hai bên thống nhất xem xét chấm dứt Hợp đồng BOT Dự án trước thời hạn. Ngày 17/7/2023, UBND tỉnh Bình Thuận và Công ty CP Rạng Đông đã ký văn bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng căn cứ chủ trương đầu tư dự án điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thực hiện các trình tự thủ tục chỉ định nhà đầu tư trong nước thực hiện Dự án theo quy định Luật PPP.

Tin cùng chuyên mục