Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Đức Trung chủ trì Hội nghị tham vấn nhà đầu tư để phục vụ xây dựng dự án Luật PPP |
PPP là hình thức ưu việt
Hội nghị tham vấn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức có sự tham gia của đại diện nhiều hiệp hội, chuyên gia và rất nhiều nhà đầu tư lớn đã thực hiện, quản lý các dự án BOT trong nhiều lĩnh vực như: Tập đoàn Đèo Cả, Vidifi, Tasco, Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân 3…
Qua thực tiễn triển khai dự án, những ý kiến, kinh nghiệm, những khó khăn vướng mắc từ các nhà đầu tư được Bộ KH&ĐT đánh giá là đầu vào quan trọng trong quá trình nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện Dự án Luật PPP.
Con số được ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT), thông tin tại Hội nghị là đến nay cả nước đã có 336 dự án thực hiện theo hình thức PPP, chủ yếu theo hợp đồng BOT và BT. Một nguồn lực rất lớn đã được thu hút đầu tư vào kết cấu hạ tầng thông qua hình thức PPP, giúp hoàn thiện, nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, dịch vụ công.
Là những nhà đầu tư BOT lớn, đã có dự án đi vào vận hành, có thể đã có thành quả, có thể đã nếm trải nhiều vướng mắc khó khăn, thậm chí đến mức muốn bỏ BOT, nhưng tại Hội nghị, các ý kiến từ nhà đầu tư vẫn cho rằng, PPP là hình thức ưu việt và mong muốn tiếp tục đầu tư theo hình thức này. Bởi PPP không chỉ giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn lực, mà còn là phương thức đầu tư đem lại nhiều hiệu quả. Các dự án PPP tận dụng được sự sáng tạo của nhà đầu tư, thực hiện nhanh, đảm bảo không chỉ hiệu quả kinh tế mà cả hiệu quả xã hội.
Ông Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam - nhận định, thực tiễn cho thấy các công trình PPP thành công vừa qua xóa đi căn bệnh nan y của ngành xây dựng Việt Nam là công trình kéo dài vô thời hạn, giá tăng vượt mức, chất lượng thấp. “Chúng tôi tổng kết nhiều công trình vượt sớm thời gian, giá thành thấp hơn tổng mức đầu tư ban đầu, chất lượng rất yên tâm. Việc này cho thấy sự thay đổi về nhận thức, là động lực mới về quản lý xây dựng”, ông Trần Chủng nói.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, chứng minh nhận định trên bằng nhiều dự án BOT đã hoàn thành như cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, hầm Đèo Cả... Các công trình đã được triển khai đồng bộ, giải phóng mặt bằng nhanh hơn, xử lý giá nguyên vật liệu tốt hơn, tiến độ nhanh hơn…
Chờ đột phá từ Luật PPP
Theo ông Nguyễn Đăng Trương, quá trình thực hiện các dự án PPP thời gian qua cũng còn một số tồn tại, hạn chế do nhiều nguyên nhân. Trước hết phải kể đến việc chưa có định hướng, chiến lược dài hạn, rõ ràng và thống nhất; vẫn còn tình trạng chưa nhận thức đúng về PPP, làm PPP chỉ vì thiếu tiền, còn tư tưởng nóng vội trong triển khai, Nhà nước chưa chủ động chuẩn bị dự án. Bên cạnh đó, pháp lý về các dự án PPP chưa đầy đủ, rõ ràng và ổn định; thiếu cơ chế hỗ trợ, đảm bảo mạnh mẽ từ phía nhà nước, chưa đảm bảo công khai, minh bạch, cạnh tranh trong quá trình thực hiện dự án.
Ông Nguyễn Đăng Trương cũng chỉ ra cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quan quản lý nhà nước chưa rõ ràng nên hầu hết các nhà đầu tư đang tự "bơi" đến từng cơ quan. Các cơ quan không có sự liên kết với nhau từ tư vấn, thẩm định, triển khai dự án… trong khi đây là trách nhiệm của Nhà nước.
Các nhà đầu tư tại Hội nghị nêu ra nhiều vướng mắc thực tế, trong đó nổi lên là sự thiếu đồng bộ của các quy định pháp luật liên quan đến dự án PPP khiến nhà đầu tư "một cổ nhiều tròng", quy định thay đổi liên tục mà không làm tốt khâu chuyển tiếp dẫn đến dự án đình trệ, hay là thiếu cơ chế để chia sẻ rủi ro một cách hợp lý, thiếu quy định ràng buộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi vi phạm hợp đồng... Ông Trần Chủng kỳ vọng, Luật PPP ra đời sẽ tháo gỡ khó khăn, tạo đột phá mới trong thu hút đầu tư tư nhân vào kết cấu hạ tầng.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Đức Trung khẳng định, Bộ KH&ĐT sẽ tiếp thu, nghiên cứu kỹ lưỡng, đầy đủ các ý kiến góp ý. Luật PPP sẽ kế thừa quy định của pháp luật giai đoạn trước, kế thừa các kết quả tích cực trong quá trình triển khai dự án, đồng thời nhìn nhận đầy đủ, toàn diện các khó khăn, vướng mắc để đưa ra các quy định có tính khả thi cao. “Việc xây dựng Luật PPP thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ để xây dựng một cơ chế PPP hiệu quả, có hiệu lực pháp lý lâu dài”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh.
9 nhóm vấn đề chính được Bộ KH&ĐT đưa ra lấy ý kiến tại Hội nghị tham vấn:
1. Phạm vi điều chỉnh và lĩnh vực đầu tư
2. Quy mô dự án áp dụng PPP
3. Về áp dụng loại hợp đồng PPP
4. Bảo lãnh Chính phủ
5. Quyết toán công trình dự án PPP
6. Trách nhiệm của các cơ quan hậu kiểm
7. Hoạt động của doanh nghiệp dự án
8. Ưu đãi miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thế chấp quyền sử dụng đất
9. Sự tham gia của bên cho vay
Với mỗi nhóm vấn đề, Bộ KH&ĐT đưa ra các phương án lấy ý kiến khác nhau. Ví dụ, với nhóm vấn đề về quy mô dự án áp dụng PPP, 2 phương án được đưa ra gồm: Phương án 1 - áp dụng quy mô dự án tối thiểu để đầu tư theo PPP (phương án 1a: chỉ đầu tư PPP với dự án có tổng mức đầu tư từ 1.200 tỷ đồng trở lên; phương án 1b: 200 tỷ đồng trở lên). Phương án 2: Giữ nguyên quy định hiện hành là không quy định quy mô dự án tối thiểu để áp dụng PPP, có quy trình riêng cho dự án quy mô nhỏ để đảm bảo được chuẩn bị thực hiện với chi phí hợp lý.