Doanh nghiệp nội địa nên tìm kiếm nguồn lực đổi mới công nghệ từ các quỹ đầu tư. Ảnh: LTT |
Vướng chính sách hỗ trợ
Mới đây, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Phạm Thành Kiên đã kiến nghị Chính phủ cần sửa đổi quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tại DN để tái cấu trúc kinh tế.
Ông cho rằng, hiện nay chính sách khuyến khích doanh nghiệp trích lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) tại DN chưa hấp dẫn, cơ chế sử dụng Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia còn rườm rà. Trong khi đó, thị trường KH&CN chưa phát triển, chưa trở thành động lực thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, phát minh công nghệ để chuyển giao.
Vì vậy, theo ông Phạm Thành Kiên, rất cần cải tiến mạnh mẽ hơn nữa về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực này nhằm thúc đẩy nhanh quá trình cải tiến công nghệ sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.
Thực tế cho thấy, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, năng lực cạnh tranh của DN nội địa vẫn khá thấp, mà một trong những nguyên nhân chính là phát triển KH&CN còn yếu. Mặc dù các văn bản luật về tài chính đều có ưu tiên để lập quỹ KH&CN nhưng chỉ làm được ở những DN lớn, riêng các DN nhỏ thì quá khiêm tốn. Và điều đáng nói là hơn 97% DN Việt Nam là DN nhỏ và vừa.
Theo Luật sư Phan Thông Anh, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, về vấn đề đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật của DN, cần quy định cụ thể chính sách trợ giúp phù hợp với chiến lược và lĩnh vực ưu tiên phát triển. Trong đó cần quy định chi tiết lĩnh vực ưu tiên phát triển, danh sách công nghệ và thiết bị kỹ thuật nào cần khuyến khích thay đổi.
Hướng đến “thâm dụng đầu tư”
Luật sư Phan Thông Anh đặt vấn đề: Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia hàng năm dành tỷ lệ kinh phí bao nhiêu phần trăm để hỗ trợ các DN nhỏ đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ? Hơn nữa, cần xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí hỗ trợ các DN thực hiện đăng ký và bảo hộ, chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm và dịch vụ, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO và các tiêu chuẩn quốc tế khác.
Ngoài ra, có không ít ý kiến khuyến khích các DN nội địa tìm kiếm nguồn lực đổi mới công nghệ từ các quỹ đầu tư. Điều này sẽ mang lại lợi thế lớn cho DN vì tiềm lực tài chính và uy tín của quỹ đầu tư sẽ tạo ra độ tin cậy cần thiết.
Còn theo Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Dũng, Giám đốc R&D Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM, khi nói đến hỗ trợ về công nghệ cho DN là Nhà nước cần tài trợ những dự án nghiên cứu hiện đại, bao gồm tài trợ cho việc hình thành các nhà máy công nghệ cao, phương thức vận hành và quản trị mà các DN nội, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, không thể tự đầu tư được.
Về chiến lược cải tiến công nghệ, có thể tham khảo từ phía một số DN lớn. Ông Lê Quang Hùng, Tổng giám đốc Công ty CP SXTM May Sài Gòn (Garmex Sài Gòn) chia sẻ, bản thân DN của ông đã đề ra chương trình trọng tâm là nâng cao năng lực sản xuất theo hướng “thâm dụng đầu tư thay cho thâm dụng lao động”.
Công ty này phấn đấu đến năm 2018 lấp đầy nhà xưởng với trên 90 dây chuyền may. Công ty sẽ đầu tư thiết bị chuyên dùng, hoàn thiện mô hình quản lý sản xuất tinh gọn (Lean) kết hợp đào tạo, nâng cao kỹ năng lao động. Bên cạnh đó là chuyển đổi chiến lược sản phẩm, sản xuất các mặt hàng hàm lượng kỹ thuật phức tạp, nguyên liệu có giá trị cao, giảm thiểu lệ thuộc thâm dụng lao động và nguồn cung nguyên phụ liệu.
Hoặc như Công ty Cát Thái (một doanh nghiệp nội điển hình cung ứng sản phẩm cho doanh nghiệp FDI), Tổng giám đốc Lê Tuấn Anh cho biết, công ty của ông sẵn sàng nhập khẩu dàn máy công nghệ hiện đại với giá gấp 3 lần dàn máy bình thường. Tuy vậy, số DN nội địa mạnh dạn đầu tư như Công ty Cát Thái lại không nhiều. Họ e ngại vì lo đầu ra hạn hẹp cho sản phẩm đặc thù khi đầu tư thiết bị sản xuất cho riêng một thương hiệu.