Vì sao giải ngân vốn vay nước ngoài quá chậm?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Tài chính cho biết, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài kế hoạch vốn năm 2021 của các bộ, ngành đến này 6/10 đạt 19,03% (3.166 tỷ đồng), trong đó, có 7 bộ, ngành chưa giải ngân. Số vốn các bộ, ngành đề nghị trả lại là 8.054 tỷ đồng, chiếm khoảng 44,08% kế hoạch vốn được Thủ tướng giao. Tỷ lệ giải ngân 9 tháng của các địa phương mới đạt 9,82% kế hoạch, một số địa phương đến nay chưa giải ngân.
Tiến độ giải ngân các dự án vốn vay nước ngoài chậm chủ yếu do việc thực hiện giãn cách kéo dài làm gián đoạn hoạt động sản xuất, thi công. Ảnh: Lê Tiên
Tiến độ giải ngân các dự án vốn vay nước ngoài chậm chủ yếu do việc thực hiện giãn cách kéo dài làm gián đoạn hoạt động sản xuất, thi công. Ảnh: Lê Tiên

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư thuộc Bộ Giao thông vận tải, tiến độ giải ngân chậm chủ yếu do việc thực hiện giãn cách kéo dài làm gián đoạn hoạt động sản xuất, thi công, cùng với một số nguyên nhân chủ quan từ các bên liên quan.

“Nhiều dự án đã được xây dựng kế hoạch vốn từ đầu năm, dự kiến giữa năm hoàn thành thiết kế và đấu thầu xong nhưng đến nay việc đấu thầu chuyển vào quý IV hoặc vào năm sau nên phải xin điều chỉnh giảm kế hoạch vốn nước ngoài. Bên cạnh đó, có 2 dự án sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của Australia bị chậm do cả nguyên nhân khách quan “Covid-19” và yếu tố chủ quan là sự phức tạp trong phối hợp với tư vấn nước ngoài do nhà tài trợ tuyển chọn. Hơn nữa, chi phí giải phóng mặt bằng đội lên quá lớn, từ 148 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng cũng khiến Dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, chủ trương đầu tư nên phải chờ ý kiến thẩm định để có cơ sở giải ngân. Dù hết sức nỗ lực, song Bộ Giao thông vận tải phải xin trả lại gần 600 tỷ đồng”, ông Dũng cho biết.

Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn bộ công trường của 23 tỉnh dừng thi công suốt mấy tháng. Nhiều trường hợp đã có văn bản gửi UBND các tỉnh xin được tự cách ly tất cả cán bộ, công nhân trong công trường để thi công nhưng chỉ vài tỉnh cho phép. Trong khi đó, nhiều công trình thủy lợi làm theo mùa, mùa khô mới thi công được thì vướng dịch, đến lúc được thi công thì vào mùa mưa. Ngoài ra, còn có dự án vốn ODA với nguyên liệu thép được nhà tài trợ yêu cầu sử dụng đã tăng giá 7 lần, vượt tổng mức đầu tư đến 500 tỷ đồng, nên phải mất thời gian dài đàm phán để thay đổi loại thép thì mới có thể triển khai. Thêm vào đó, có công trình Bộ Xây dựng cho phép thi công nhưng lại yêu cầu test Covid-19 cho công nhân hàng tuần, nội dung chi phí thì “bỏ lửng”.

Từ phía địa phương, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, đến 30/9, Hà Nội đã giải ngân được 1.361 tỷ đồng vốn ODA, đạt 17,4% tổng vốn được giao của cả năm. Một số nguyên nhân được chỉ ra là: dịch Covid-19 khiến các chuyên gia nước ngoài khó sang Việt Nam, vận chuyển thiết bị gặp khó; vướng giải phóng mặt bằng; giá vật liệu xây dựng tăng cao; điều chỉnh thời gian thi công. “Hà Nội đang rà soát triển khai dự án và đã có văn bản xin điều chỉnh giảm vốn ODA cấp phát 4.500 tỷ đồng. Dự kiến phấn đấu hoàn thành tỷ lệ giải ngân khoảng 95% vào cuối năm sau khi điều chỉnh vốn”, ông Hải nói.

Trước thực trạng như vậy, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, cơ quan này kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương thực hiện các giải pháp trong phạm vi quản lý của mình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.

Các cơ quan chủ quản cần thực hiện kiểm tra, rà soát, giám sát, đôn đốc thực hiện kế hoạch vốn của các chủ dự án, kịp thời tháo gỡ ngay vướng mắc, khó khăn trong triển khai và giải ngân; tiếp tục điều chuyển kế hoạch vốn nội bộ. Trường hợp không thể điều chuyển nội bộ thì sớm có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về việc cắt giảm để chuyển cho các bộ, ngành, địa phương khác.

Các chủ dự án, ban quản lý dự án có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất thủ tục về đầu tư, xây dựng, di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án; kịp thời phát hiện các vướng mắc để xử lý hoặc báo cáo cơ quan chủ quản xử lý theo thẩm quyền, xin ý kiến “không phản đối” của nhà tài trợ.

Chủ dự án cần tuyển chọn tư vấn đủ năng lực, kinh nghiệm thiết kế dự án, đảm bảo đạt chất lượng, phù hợp với thực tế và tránh phải điều chỉnh trong quá trình triển khai. Trường hợp tư vấn do phía nước ngoài thuê tuyển, lên kế hoạch giám sát chặt tiến độ, khối lượng, chất lượng công việc của tư vấn để có biện pháp xử lý ngay khi phát sinh vấn đề.

Các địa phương có dự án ODA cần xử lý các vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, tái định cư, bảo đảm bàn giao mặt bằng sạch cho dự án đúng tiến độ.

Tin cùng chuyên mục