Vì sao ngành công thương “kẹt” giải ngân đầu tư công?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo số liệu của Bộ Công Thương, đến hết tháng 5, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) của Bộ thuộc nhóm thấp nhất cả nước. Nếu không cải thiện tốc độ, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Công Thương khó đạt yêu cầu giải ngân tối thiểu 60% kế hoạch vốn được giao vào ngày 30/9, khả năng không hoàn thành kế hoạch năm theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là rất lớn.
Năm 2022, Bộ Công Thương được giao 825,255 tỷ đồng vốn đầu tư công, đã giao chi tiết cho 59 dự án. Ảnh: Tường Lâm
Năm 2022, Bộ Công Thương được giao 825,255 tỷ đồng vốn đầu tư công, đã giao chi tiết cho 59 dự án. Ảnh: Tường Lâm

Theo đại diện Vụ Kế hoạch thuộc Bộ Công Thương, tổng vốn thuộc kế hoạch ĐTC năm 2022 của Bộ được Thủ tướng Chính phủ giao là 825,255 tỷ đồng, trong đó có hơn 585 tỷ đồng vốn trong nước và 239,355 tỷ đồng vốn nước ngoài. Đến ngày 23/3/2022, Bộ Công Thương đã giao chi tiết 3 đợt, đạt 100% số vốn Chính phủ giao cho 59 dự án, gồm 26 dự án chuyển tiếp, 33 dự án khởi công mới (trong đó có 6 dự án ODA). Tuy nhiên, việc giải ngân vốn rất chậm.

Theo Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch ĐTC năm 2022 của Bộ Công Thương, đến hết tháng 5/2022, giá trị giải ngân của Bộ đạt 30,623 tỷ đồng, bằng 3,7% kế hoạch.

“Dự kiến đến ngày 30/6/2022, giá trị giải ngân đạt 113 tỷ đồng, bằng 14% kế hoạch và đến ngày 30/9 chỉ đạt khoảng 35% kế hoạch, thấp hơn rất nhiều so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là giải ngân 60% vốn kế hoạch”, Vụ Kế hoạch thông tin thêm.

Tổng cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương cho biết, năm nay, kế hoạch vốn ĐTC Tổng cục được giao là 211 tỷ đồng, phân bổ cho 23 dự án, trong đó có 13 dự án chuyển tiếp và 10 dự án khởi công mới. Đến hết tháng 5/2022 giải ngân được 6,24 tỷ đồng, chiếm 2,96% vốn kế hoạch. Ước giải ngân vốn đến hết quý II đạt 35,74 tỷ đồng, tương ứng 16,9%; ngày 30/9 ước đạt 142,7 tỷ đồng, tương ứng 67,7% và cuối năm 2022 phấn đấu đạt 100% vốn kế hoạch.

Lý giải về việc giải ngân vốn ĐTC của Bộ Công Thương còn thấp, theo Vụ Kế hoạch, có một số nguyên nhân.

Thứ nhất là năm 2022, Bộ Công Thương được giao 239,355 tỷ đồng vốn nước ngoài, chiếm 29% kế hoạch vốn, nhưng việc giải ngân nguồn vốn này còn nhiều thủ tục phải hoàn thành. Các dự án đang trong giai đoạn thực hiện gói thầu tư vấn thẩm định giá thiết bị, lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án.

“Theo văn kiện dự án đã được duyệt, nguồn vốn ODA được sử dụng thanh toán cho gói thầu thiết bị nên việc giải ngân nguồn vốn ODA chỉ có thể thực hiện sau khi hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng các gói thầu thiết bị thuộc dự án. Việc thực hiện đấu thầu quốc tế (theo yêu cầu của nhà tài trợ) sẽ mất nhiều thời gian, dự kiến hoàn thành và bắt đầu giải ngân trong quý IV/2022”, Vụ Kế hoạch giải thích.

Thứ hai, tiến độ triển khai các thủ tục về đầu tư của một số dự án còn chậm, phụ thuộc tiến độ giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.

Bên cạnh đó, do giá nguyên vật liệu biến động tăng, một số dự án đã phê duyệt dự toán xây dựng cần điều chỉnh để cập nhật giá vật tư, vật liệu nhằm đảm bảo không phát sinh tình huống trong quá trình lựa chọn nhà thầu…

Chia sẻ với khó khăn trên, song nhiều ý kiến chỉ ra, đây là năm thứ 2 thực hiện kế hoạch ĐTC trung hạn 2021 - 2025 nên việc giải ngân vốn ĐTC 5 tháng năm 2022 thấp không thể lấy lý do việc triển khai còn nhiều bỡ ngỡ hay ảnh hưởng dịch Covid-19… mà là do cơ quan thực hiện còn chưa quyết liệt triển khai.

Ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư - đơn vị đầu mối theo dõi giải ngân vốn ĐTC của Bộ Công Thương đề nghị, Bộ Công Thương cần phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa để thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC năm 2022.

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch thuộc Bộ Công Thương cam kết: “Bộ sẽ quyết liệt thực hiện các giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC đảm bảo đạt tỷ lệ theo yêu cầu”.

Theo đó, đối với các dự án đã được giao kế hoạch vốn năm 2022, Bộ sẽ khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư, giải ngân vốn đã được giao để đảm bảo đạt tỷ lệ theo yêu cầu. Với các dự án chậm tiến độ, không có khả năng giải ngân, đề nghị chủ đầu tư rà soát nhu cầu vốn để chủ động báo cáo Bộ có phương án điều chỉnh. Bộ tiếp tục duy trì chế độ giao ban để đôn đốc, nắm bắt tình hình dự án và chỉ đạo điều hành…

Đối với các dự án đã đủ điều kiện nhưng chưa được giao vốn, Bộ chỉ đạo các đơn vị thực hiện nhiệm vụ rà soát kỹ để được bố trí đủ nhu cầu, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ giải ngân theo quy định. Đối với 3 dự án của khối các trường sẽ căn cứ tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư và khả năng giải ngân để xây dựng phương án giao vốn bổ sung…

Tin cùng chuyên mục