Vì sao nhiều ĐHĐCĐ “vỡ trận”?

(BĐT) - Ngay trước đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã chứng khoán EIB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2016 nhưng thất bại do tỷ lệ cổ đông và đại diện cổ đông tham dự chỉ đạt 50,19%, thấp hơn con số tối thiểu 65% mà điều lệ Ngân hàng đưa ra. 
Đang tồn tại “sự khác biệt” về quan điểm giữa các nhóm cổ đông của Eximbank. Ảnh: Tiên Giang
Đang tồn tại “sự khác biệt” về quan điểm giữa các nhóm cổ đông của Eximbank. Ảnh: Tiên Giang

Nguyên nhân thiếu hụt đó, theo lãnh đạo Eximbank là do 2 nhóm cổ đông lớn, dù có mặt tại ĐHCĐ nhưng không đăng ký tham gia.

Thông điệp không tốt

Hai nhóm cổ đông nêu trên lần lượt nắm giữ 11,82% và 10,42% cổ phần có quyền biểu quyết tại Eximbank, trước đó đã có đề nghị bầu bổ sung thêm 2 thành viên HĐQT. Eximbank nhất trí đưa nội dung thảo luận này vào dự kiến chương trình và nội dung họp ĐHCĐ. Tuy nhiên, trong tài liệu ĐHCĐ có nhận định, đây chưa phải là thời điểm thích hợp để bầu thành viên HĐQT mới.

Theo ông Ngô Thanh Tùng, thành viên HĐQT Eximbank, cá nhân ông không hiểu lý do 2 nhóm cổ đông này từ chối tham dự ĐHCĐ. Hành động của 2 nhóm cổ đông này đã tạo ra dư luận không tốt về hình ảnh của Eximbank. Cũng có ý kiến cho rằng, chuẩn bị chưa đầy đủ cho việc ứng cử có thể là nguyên nhân chính mà 2 nhóm cổ đông này từ chối tham gia ĐHCĐ, mặc dù có mặt tại ĐHCĐ. 

Thực tế, nếu 2 nhóm cổ đông này đăng ký tham dự ĐHCĐ, tỷ lệ tham dự sẽ đạt 72,43%, nghĩa là đủ điều kiện tiến hành. Tuy nhiên, việc “đổ lỗi” cho 2 nhóm cổ đông này có vẻ chưa thỏa đáng cho lắm, vì vẫn còn 27,57% cổ đông Eximbank vắng mặt tại ĐHCĐ lần này.

Bác bỏ thông tin có khủng hoảng nhân sự tại Eximbank, nhưng lãnh đạo ngân hàng này thừa nhận, đang tồn tại “sự khác biệt” về quan điểm giữa các nhóm cổ đông. Từ ĐHCĐ bất thường của Eximbank cuối năm 2015, vấn đề nhân sự đã trở nên nóng bỏng khi cổ đông nghi ngờ hồ sơ của các ứng viên bị “giấu nhẹm”. Ngay trước khi ĐHCĐ bất thường nói trên diễn ra, một bản danh sách HĐQT Ngân hàng mới được đưa ra, từ 11 ứng viên xuống còn 8 ứng viên, trong đó có 2 ứng viên mới bị xóa tên. Để vào HĐQT Eximbank thật không hề dễ dàng. 

Tranh chấp quyền lực, chuyện không mới

Cách đây 3 năm, ĐHCĐ thường niên 2013 của Công ty CP Bibica (Mã chứng khoán BBC) cũng diễn ra bất thành do đại diện Quỹ SSI (SSIAM) có mặt nhưng không đăng ký tham dự. Đó cũng là giai đoạn xung đột giữa Bibica và cổ đông ngoại là Lotte được đẩy lên đến đỉnh điểm. Thậm chí, ông Trương Phú Chiến, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Bibica cho rằng, không ngoại trừ Lotte muốn thay đổi toàn bộ HĐQT trong ĐHCĐ thường niên.

Quan sát hành vi của cổ đông lớn có thể giúp nhà đầu tư hiểu tình hình của một doanh nghiệp. Không chỉ qua động thái mua/bán cổ phần, thái độ của cổ đông lớn đối với những sự kiện trọng đại của doanh nghiệp, cũng nói lên khá nhiều điều.
Trả lời phỏng vấn ngay sau ĐHCĐ, ông Chiến cho biết trước khi ĐHCĐ diễn ra, có một số vấn đề chưa được làm rõ khiến cổ đông lớn là SSIAM không hài lòng. Một trong những lý do được phía SSIAM cho biết là Bibica khi đó không còn Ban kiểm soát, do đó các tài liệu họp ĐHCĐ không được thẩm định theo đúng quy định của pháp luật. Tổ chức này đã sát cánh với Bibica trong suốt những năm qua, bất kể căng thẳng giữa Công ty với Lotte “nóng” hay “nguội”.

Đơn giản chỉ là… hờ hững?

Khác với “chiến lược” khá rõ nét của các nhóm cổ đông lớn trong 2 trường hợp nói trên, ĐHCĐ thường niên 2016 lần 1 của Công ty CP Đầu tư F.I.T (Mã chứng khoán FIT) cũng không thành công khi hầu như không có sự tham gia của các quỹ đầu tư. Đại diện F.I.T cho biết, đại diện các quỹ không có mặt tại Việt Nam và cũng từ chối việc ủy quyền cho cá nhân/tổ chức khác tham gia. Tỷ lệ cổ đông tham gia ĐHCĐ thường niên lần 1 của Công ty vì vậy chỉ xấp xỉ 47%.

Tỷ lệ tham dự của cổ đông Công ty CP Tập đoàn Đại dương (Ocean Group - Mã chứng khoán OGC) mới thực sự “thê thảm”. Từ năm 2015 đến nay, sau khi cựu lãnh đạo Tập đoàn là ông Hà Văn Thắm bị tạm giam, ĐHCĐ của công ty này luôn có tỷ lệ tham dự cực kỳ thấp. Đơn cử, ĐHCĐ thường niên 2016 lần 1 của Ocean Group đã thất bại khi tỷ lệ tham dự chỉ ở mức 4,37%. ĐHCĐ bất thường năm 2015 của công ty này cũng phải đến lần 3 mới thành công với tỷ lệ 8,2%.

Hiện cổ đông lớn nhất của Ocean Group chính là Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo, công ty riêng của ông Hà Văn Thắm. Từ năm 2015 đến nay, Hà Bảo không hề cử đại diện Công ty tham dự ĐHCĐ Ocean Group.

Pyn Elite Fund đầu tháng 3 vừa qua đã trở thành cổ đông lớn sở hữu 5,02% cổ phần Ocean Group. Tổ chức này cũng không tham dự ĐHCĐ cuối tháng 4 vừa qua.

Quan sát hành vi của cổ đông lớn có thể giúp nhà đầu tư hiểu tình hình của một doanh nghiệp. Không chỉ qua động thái mua/bán cổ phần, thái độ của cổ đông lớn đối với những sự kiện trọng đại của doanh nghiệp, cũng nói lên khá nhiều điều.                

Tin cùng chuyên mục