Vì sao vốn đầu tư công giải ngân chậm?

(BĐT) - Ba năm vừa qua, tổng vốn đầu tư công giải ngân hàng năm luôn còn lại khoảng 10% theo kế hoạch. Năm nay, đến hết tháng 10, tổng số tiền Kho bạc Nhà nước (KBNN) “rót” cho các dự án đầu tư công mới đạt 57,6% kế hoạch. Một trong các nguyên nhân chính của sự chậm trễ này là do triển khai dự án còn chậm chạp.
Đến hết tháng 10, tổng số tiền Kho bạc Nhà nước giải ngân cho các dự án đầu tư công mới đạt 57,6% kế hoạch năm. Ảnh: Lê Tiên
Đến hết tháng 10, tổng số tiền Kho bạc Nhà nước giải ngân cho các dự án đầu tư công mới đạt 57,6% kế hoạch năm. Ảnh: Lê Tiên

Thiếu nghiêm túc trong thực hiện dự án

Tại Bộ Y tế - một trong 4 cơ quan có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp nhất tính từ đầu năm đến nay -  mới đạt khoảng 16,94%. Trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách nhà nước (NSNN) giao năm 2018 mới đạt 11%. Theo lý giải của cơ quan này, tỷ lệ giải ngân thấp tập trung ở các dự án khởi công mới, sau khi có thông báo vốn các đơn vị mới tổ chức lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công xây lắp.

Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Xây dựng, các dự án sử dụng vốn NSNN và vốn nhà nước ngoài ngân sách phải thực hiện tổ chức quản lý dự án thông qua ban quản lý dự án chuyên ngành bằng hợp đồng ủy thác. Tuy nhiên, phần lớn ban quản lý dự án chuyên ngành còn lúng túng trong triển khai dẫn đến việc thực hiện dự án và giải ngân chậm.

Công tác tại cơ quan kiểm soát dòng vốn đầu tư công, bà Lương Thị Hồng Thuý, Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi thuộc KBNN, Bộ Tài chính nêu một số trở ngại trong việc thanh toán nguồn tiền này, đáng chú ý là tình trạng thiếu nghiêm túc trong triển khai, thực hiện các dự án.

Theo quy định của Luật NSNN, trước ngày 31/12, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, UBND các cấp phải hoàn thành việc giao dự toán ngân sách cho từng cơ quan, đơn vị trực thuộc và UBND cấp dưới. Tuy nhiên, bà Thúy cho biết, thực tế vẫn có trường hợp dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách đã được Quốc hội và HĐND quyết định nhưng cấp có thẩm quyền chưa kịp giao dự toán cho cơ quan, đơn vị trực thuộc và cấp dưới.

Bên cạnh đó, việc nghiệm thu khối lượng hoàn thành, lập hồ sơ thanh toán gửi KBNN của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án nhiều khi còn chậm, chưa tuân thủ theo thời gian quy định. Cụ thể, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP và Công văn số 2438/VPCP-KTTH ngày 15/3/2018 của Văn phong Chính phủ nêu rõ, trong thời hạn 4 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu, làm thủ tục thanh toán ngay với KBNN. “Đã có nhiều trường hợp không đảm bảo thời gian này nên dẫn đến việc chậm trễ giải ngân vốn”, bà Thúy nói.

Về thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, một số dự án bị kéo dài thời gian thực hiện này so với quy định do kết quả thực hiện thủ tục hành chính phụ thuộc vào ý kiến chấp thuận của nhiều cơ quan, nhiều cấp quản lý chuyên ngành. Mô hình một cửa tiếp nhận, thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công vận hành chưa hiệu quả.

Mặt khác, theo bà Thúy, một trong những nguyên nhân quan trọng là việc phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước trong khâu xác định, thẩm định chủ trương đầu tư, phân bổ kế hoạch vốn, thẩm định dự án còn một số bất cập. 

Kiến nghị dừng thanh toán hoặc chuyển vốn với dự án chậm

Trên thực tế, cả ba khâu của một dự án gồm lập, thẩm định và phê duyệt đều có thể bị chậm, có dự án mất đến 6 tháng mới lập xong, hơn 6 tháng mới được thẩm định và việc phê duyệt dự án cũng có thể bị kéo dài.

Để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, KBNN kiến nghị cần có chế tài chặt chẽ với việc chậm trễ thực hiện các dự án đầu tư công. Theo đó, cần ban hành chế tài cho phép KBNN tạm dừng giải ngân với các trường hợp chủ đầu tư chậm làm thủ tục thanh toán theo quy định tại Nghị quyết số 70/NQ-CP của Chính phủ. Cụ thể, các trường hợp quá 4 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu nhưng chủ đầu tư không làm thủ tục thanh toán tại KBNN thì KBNN được phép tạm dừng thanh toán.

Bên cạnh đó, với một số dự án gặp khó khăn trong triển khai và không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2018 được giao, KBNN đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát khả năng giải ngân của các dự án khác, xây dựng phương án điều hoà, điều chỉnh trong nội bộ nguồn vốn được giao. Trường hợp không có khả năng giải ngân hết kế hoạch được giao, đề nghị bộ, ngành địa phương báo cáo Chính phủ điều chuyển cho các bộ, ngành, địa phương khác có nhu cầu.

Nhìn từ góc độ tổng thể của dòng vốn đầu tư công, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, việc chậm giải ngân không hẳn hoàn toàn không tốt mà ở khía cạnh nào đó còn là động lực để bình tĩnh và thận trọng xem xét hiệu quả của các dự án đầu tư. “Nên mạnh dạn cắt những dự án không hiệu quả để bố trí nguồn lực cho các dự án thực sự cần thiết và khả thi”, ông Ánh nhấn mạnh.