Kể từ khi đặt “đại bản doanh” tại Việt Nam đến nay, số những công trình nghiên cứu của Genetica đã tăng gấp 5 lần. Ảnh: Lê Tiên |
Điểm sáng thu hút tinh hoa đổi mới sáng tạo
Tháng 10/2021, Genetica - startup trong lĩnh vực giải mã gen ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại Mỹ quyết định xây dựng trung tâm giải mã gen lớn nhất Đông Nam Á đặt tại cơ sở của NIC nằm trên phố Tôn Thất Thuyết, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
TS. Cao Anh Tuấn, nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Genetica - thành viên trong 100 “hạt giống” đầu tiên thuộc Mạng lưới ĐMST Việt Nam do Bộ KH&ĐT thành lập năm 2018 cho biết, Genetica được thành lập nhằm phục vụ nhu cầu giải mã gen, nghiên cứu ứng dụng thông tin gen đang ngày một phát triển tại Việt Nam và khu vực.
“Kể từ khi đặt “đại bản doanh” tại Việt Nam đến nay, số người tham gia nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ của Genetica đã tăng gấp 4 lần, số công trình nghiên cứu gấp 5 lần”, ông Tuấn cho biết.
Trước đó, chia sẻ về cơ duyên khiến Genetica quyết định đặt Trung tâm tại NIC thay vì Singapore như kế hoạch định trước, ông Tuấn cho biết, đó là do ấn tượng từ cuộc gặp gỡ “định mệnh” lần đầu tiên với Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng ở San Francisco năm 2018. Tại cuộc gặp này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kêu gọi các nhân tài người Việt ở Mỹ về Việt Nam phát triển đất nước. “Chính sự cởi mở của chính sách và ủng hộ của các cấp lãnh đạo trong thu hút phát triển khoa học công nghệ, ĐMST, cùng với đó là chất lượng đội ngũ nhân lực của Việt Nam ngày càng được nâng cao... đã khiến chúng tôi “trở về” để phát triển”, ông Tuấn chia sẻ.
OhmniLabs - startup trong lĩnh vực AI tại Thung lũng Silicon (Mỹ) do TS. Vũ Duy Thức là CEO và đồng sáng lập cũng có hành trình ngược dòng trở về Việt Nam để phát triển vươn khơi, với mong muốn Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất và phát triển robot hàng đầu khu vực và trên thế giới. Với những nỗ lực không ngừng, ông Thức cho hay, đến nay, OhmniLabs đã phát triển và triển khai được hệ thống dịch vụ robot lớn nhất thế giới với hơn 4.000 robot vận hành tại hơn 40 quốc gia, có hàng trăm khách hàng là những tập đoàn kinh tế lớn.
Song hành cùng nỗ lực quy tụ nhân tài người Việt trên khắp thế giới góp trí tuệ phát triển đất nước, thời gian qua, Việt Nam đã thu hút nhiều nguồn lực phát triển, trong đó có nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực công nghệ cao. Trong các nhà đầu tư vào lĩnh vực này, Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) không chỉ lựa chọn Việt Nam là một “cứ điểm” sản xuất, mà vừa qua đã khánh thành trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hà Nội, với kế hoạch nâng tầm vị thế của Việt Nam trở thành cứ điểm chiến lược về R&D của Samsung trên toàn cầu.
Tháng 10/2023, Bộ KH&ĐT sẽ tổ chức lễ khánh thành cơ sở của Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đây sẽ trở thành một trung tâm hội tụ tài năng, phát huy tối đa thế mạnh của cộng đồng ĐMST và chắp cánh cho các dự án sáng tạo tiềm năng.
Ông Kim Yong Sup, Phó Tổng giám đốc Đối ngoại Tổ hợp Samsung Việt Nam nhấn mạnh, đây là minh chứng cho cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang coi ĐMST là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.
Cùng với Genetica, Samsung, OhmniLabs, nhiều doanh nghiệp khác đang tìm kiếm cơ hội đầu tư thúc đẩy ĐMST ở Việt Nam. Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC cho biết, nhiều quỹ đầu tư quốc tế như: Quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures; Do Ventures... đang liên tục “đổ” vốn vào lĩnh vực khởi nghiệp, ĐMST ở Việt Nam với nhận định, Việt Nam sẽ trở thành “viên ngọc mới” của khu vực Đông Nam Á trong hoạt động khởi nghiệp ĐMST.
Chắp cánh cho các dự án sáng tạo tiềm năng
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, trong tháng 10/2023, Bộ KH&ĐT sẽ tổ chức lễ khánh thành cơ sở của NIC tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đây là một sự kiện đặc biệt, đánh dấu bước phát triển quan trọng của NIC trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng sau hơn 2 năm triển khai xây dựng với rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19.
Theo Thứ trưởng, cơ sở Hòa Lạc của NIC được xây dựng với tổng diện tích sàn làm việc gần 20 nghìn m2, trang thiết bị tiên tiến, có các không gian làm việc, nghiên cứu, phát triển và không gian kết nối ĐMST giữa các doanh nghiệp (DN), nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước, đẩy mạnh các hoạt động R&D, chuyển giao công nghệ... xoay quanh 8 lĩnh vực chính của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó có một số ngành công nghiệp rất mới như: công nghiệp bán dẫn, hydrogen...
“Đây sẽ trở thành một trung tâm hội tụ tài năng, phát huy tối đa thế mạnh của cộng đồng ĐMST và chắp cánh cho các dự án sáng tạo tiềm năng; thể hiện quyết tâm và chỉ đạo sát sao của Chính phủ trong việc hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái, đưa Việt Nam trở thành điểm đến ĐMST của khu vực và thế giới”, Thứ trưởng Trần Duy Đông tin tưởng.
Cùng với hoàn thiện cơ sở hạ tầng thu hút đầu tư vào ĐMST, Bộ KH&ĐT đang được giao nhiệm vụ xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 94/2020/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ DN khởi nghiệp ĐMST như: ưu đãi về thuế, thủ tục hành chính, hỗ trợ chi phí ban đầu để các DN đặt văn phòng hay trung tâm nghiên cứu...
Về công tác phát triển nguồn nhân lực, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho hay, đến nay, với vai trò “cầu nối” thúc đẩy ĐMST tại Việt Nam, NIC đã ký hơn 40 biên bản hợp tác với các trường đại học để phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực này; cùng với đó, hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn như: Google, Meta, Amazone... tổ chức nhiều khóa đào tạo về ĐMST.
Thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong hoạt động ĐMST, ông Kim Yong Sup cho hay, Samsung sẽ mời các startup tiêu biểu đã được ươm mầm khởi nghiệp thành công từ chương trình C-Lab tới NIC cơ sở Hòa Lạc. “Với mong muốn nuôi dưỡng thế hệ thanh thiếu niên của Việt Nam phát triển trở thành những nhân tài công nghệ trong tương lai, Samsung dự kiến sẽ xây dựng phòng lab chuyên dụng dành cho chương trình Samsung Innovation Campus ngay tại NIC cơ sở Hòa Lạc”, Samsung thông tin.
TS. Cao Anh Tuấn cho hay, Genetica có dự định mở trung tâm tại cơ sở NIC ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ông Tuấn tiết lộ, Chính phủ Singapore mong muốn Genetica mở một phòng Lab ở nước này. Dẫu vậy, trước mắt, Genetica sẽ tập trung nguồn lực để phát triển mạnh Trung tâm tại NIC nhằm làm bàn đạp mở rộng thị trường trong tương lai.