Ảnh Internet |
Báo cáo nghiên cứu trên 6.472 công ty khởi nghiệp chuyên về công nghệ được định giá lên tới 500 triệu USD tại 12 thị trường: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, Singapore, Hàn Quốc, Hong Kong (SAR), Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Đài Loan và Thái Lan.
Báo cáo đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có môi trường khởi nghiệp non trẻ và năng động bậc nhất châu Á. Tại thời điểm đại dịch Covid-19 xuất hiện, Việt Nam mới chỉ có 1.600 doanh nghiệp khởi nghiệp, con số này giờ đây đã tăng lên hơn 3.000, theo nền tảng thống kê khởi nghiệp Tracxn. Trong đó, có 4 doanh nghiệp được xếp hạng “kỳ lân”.
Động lực chính thúc đẩy nền kinh tế số của Việt Nam chính là nền dân số đông và trẻ không ngại thử nghiệm và tiếp nhận sản phẩm tiêu dùng công nghệ mới, chính sách nhà nước mang tính hỗ trợ và nguồn vốn đầu tư nước ngoài gia tăng.
Mặc dù GDP bình quân trên đầu người còn tương đối thấp so với các nước khác trong khu vực, nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ thị trường nào khác. Tăng trưởng được dự báo đạt 5,5% cho năm 2022 và 6,5% cho năm 2023, gần đạt tốc độ tăng trưởng trước Covid-19, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB).
“Việt Nam nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp, gần theo kịp các quốc gia như Indonesia và Singapore. Với dân số trẻ, năng động và có trí thức, độ phủ mạng internet và tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao, cùng sự ủng hộ của chính phủ, Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững vị thế là điểm đến hấp dẫn với cả nhà đầu tư lẫn công ty công nghệ, biến đất nước này trở thành cái nôi phát triển của những kỳ lân tiềm năng”, ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam chia sẻ.
Theo Báo cáo, các hệ sinh thái chuyên về công nghệ đã phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương và đây là nơi sản sinh ra rất nhiều doanh nghiệp “tỷ đô” với tốc độ nhanh chóng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo, các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển sẽ tăng trưởng nhanh hơn 20% so với tốc độ bình quân của toàn cầu trong năm nay.
“Những người khổng lồ mới nổi” – các doanh nghiệp khởi nghiệp có sức sáng tạo, tăng trưởng nhanh, có tầm ảnh hưởng và tham vọng trở thành "kỳ lân" – tạo nên một chỉ số quan trọng trong quỹ đạo tăng trưởng của châu Á - Thái Bình Dương.
Báo cáo chỉ ra, sự nổi lên của nhóm ngành dọc mới đang thu hút lượng đầu tư cao kỷ lục chưa từng thấy và kéo theo đó là hàng loạt công ty khởi nghiệp có cả quy mô lẫn giá trị lớn hơn xuất hiện với tốc độ nhanh chóng trong khu vực.
Ngoài những ngành truyền thống gắn liền với các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế mới như công nghệ tài chính (fintech) hay phần mềm dịch vụ, Báo cáo còn đi sâu vào khoảng 120 lĩnh vực liên quan đến công nghệ trong số các doanh nghiệp này, trong đó bao gồm các lĩnh vực dọc chủ đạo như chuỗi khối, thành phố thông minh, bền vững và ESG.
Theo Báo cáo, dù khó lặp lại mức độ đầu tư từ khối tư nhân cao kỷ lục như năm 2021, số liệu quý I/2022 cho thấy, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể đạt mục tiêu vượt năm 2020 và 2019 về mức độ đầu tư vốn trong năm nay.
Là khu vực ứng dụng fintech nhiều nhất thế giới, châu Á - Thái Bình Dương đang trải qua thời kỳ bùng nổ về chuyển đổi dịch vụ tài chính trong vòng hai năm qua khi ứng dụng fintech tiến bộ song hành với mức độ đón nhận của người dùng.
Một phát hiện quan trọng khác là áp lực tăng trưởng với trọng tâm ESG trong chiến lược kinh doanh và đầu tư nhằm đạt các mục tiêu khí hậu nhiều khả năng sẽ thúc đẩy nhu cầu dịch vụ và công nghệ xanh bùng nổ trong mọi lĩnh vực, tạo ra nhiều cơ hội lớn cho “những người khổng lồ mới nổi”.
Trong khi đó, thách thức lớn nhất đối với “những người khổng lồ mới nổi” bao gồm vượt qua những phức tạp trong pháp lý và tuyển dụng được nhân tài công nghệ. Hoạch định chiến lược ESG và thuế hiệu quả cũng như tận dụng ưu đãi của chính phủ và triển khai các quy trình quản lý nguồn nhân lực phân tán ở nhiều nơi cũng là những trở ngại cho tăng trưởng trong tương lai.