Việt Nam củng cố lợi thế “dân số vàng” với dấu mốc 100 triệu dân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trung tuần tháng 4/2023, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có quy mô dân số 100 triệu người. Đây vừa là dấu mốc, vừa là cơ hội cho đất nước có bước phát triển bứt phá, vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Báo Đấu thầu đã có trao đổi với ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) về dấu mốc này và những khuyến nghị, chính sách phát triển nguồn nhân lực (NNL) để tận dụng “thời kỳ vàng” của dân số nước ta.
Sự ra đời của công dân thứ 100 triệu là dấu mốc quan trọng, tạo cơ hội cho Việt Nam nâng cao vị thế trong khu vực và trên thế giới. Ảnh: Tiên Giang

Sự ra đời của công dân thứ 100 triệu là dấu mốc quan trọng, tạo cơ hội cho Việt Nam nâng cao vị thế trong khu vực và trên thế giới. Ảnh: Tiên Giang

Chỉ vài ngày nữa thôi, nước ta sẽ chính thức đạt quy mô 100 triệu người, tiếp tục củng cố lợi thế “quốc gia có dân số vàng” trên thế giới. Về quy mô dân số, xin ông chia sẻ một số so sánh để thấy rõ vị thế, thứ hạng của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới?

Việt Nam là quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines) và thứ 15 trên thế giới. Quy mô dân số trung bình hàng năm tăng tương đối ổn định, tăng khoảng gần 1 triệu người.

Trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu, khi các nước đều coi NNL là lợi thế cạnh tranh của quốc gia, thì sự ra đời của công dân thứ 100 triệu là dấu mốc quan trọng, tạo cơ hội cho Việt Nam nâng cao vị thế trong khu vực và trên thế giới.

“Thời kỳ cơ cấu dân số vàng” mang lại cơ hội lớn để tận dụng NNL có chất lượng cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của đất nước. Tận dụng cơ hội “cơ cấu dân số vàng” đầu tư hiệu quả cho giáo dục, đào tạo để phát triển NNL của đất nước. Các yếu tố này tác động đến kỹ năng, trình độ của lực lượng lao động (LLLĐ) trong việc xây dựng nền kinh tế thị trường phát triển nhanh và bền vững.

Ông Nguyễn Trung Tiến Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Ông Nguyễn Trung Tiến

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Liên quan đến tình hình lao động việc làm hiện nay, xin ông chia sẻ các con số cập nhật nhất (quý I/2023) và những dấu ấn cho thấy sự phục hồi, phát triển so với cùng kỳ các năm trước đây?

Quý I/2023, thị trường lao động tiếp tục phục hồi, với LLLĐ, số người có việc làm và thu nhập đều tăng, tỷ lệ thất nghiệp giảm.

LLLĐ từ 15 tuổi trở lên trong quý I/2023 là 52,2 triệu người, tăng gần 88,7 nghìn người so với quý trước, tăng hơn 1 triệu người so với cùng kỳ năm trước và tăng hơn 632 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước khi Covid-19 xảy ra. Như vậy, sau 4 năm xảy ra đại dịch, với những chính sách khôi phục nền kinh tế, thị trường lao động đã phục hồi. Tuy nhiên, sự phục hồi này còn chậm do các yếu tố tác động của tình hình thế giới.

Trong quý I/2023, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm đạt 51,1 triệu người, tăng 113,5 nghìn người so với quý trước, tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước và tăng 677,9 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý này là 1,94%, giảm 0,04 điểm phần trăm so với quý trước, giảm 1,07 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước và giảm so với cùng kỳ các năm xảy ra dịch Covid-19 (giảm 0,04 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 0,26 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2021). Tuy nhiên, những khó khăn sau đại dịch cùng tình hình thế giới bất ổn, thị trường tiêu thụ sụt giảm khiến đơn hàng giảm, các doanh nghiệp phải cắt giảm giờ làm nên tỷ lệ thiếu việc làm vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 là 0,52 điểm phần trăm.

Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I/2023 là 7 triệu đồng, tăng 197 nghìn đồng so với quý trước, tăng 640 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước và tăng 983 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2019.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2023 là 2,25%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,21 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ này giảm so với cùng kỳ các năm 2019, 2020 và 2021 lần lượt là 0,06 điểm phần trăm; 0,09 điểm phần trăm và 0,17 điểm phần trăm.

“Thời kỳ cơ cấu dân số vàng” mang lại cơ hội lớn để tận dụng nguồn nhân lực có chất lượng cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của đất nước. Ảnh: Tiên Giang

“Thời kỳ cơ cấu dân số vàng” mang lại cơ hội lớn để tận dụng nguồn nhân lực có chất lượng cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của đất nước. Ảnh: Tiên Giang

LLLĐ nước ngoài có được thống kê trong bức tranh tổng nguồn lực lao động tại Việt Nam không, thưa ông? Trong tương lai, TCTK có kế hoạch xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê đầy đủ và đồng bộ về LLLĐ trên lãnh thổ Việt Nam không?

Điều tra lao động việc làm là cuộc điều tra mẫu được TCTK thực hiện hàng tháng để thu thập và công bố thông tin về tình hình thị trường lao động việc làm hàng quý của Việt Nam. Trước năm 2020, thông tin về lao động di cư quốc tế không được thu thập trong điều tra lao động việc làm, kể cả thông tin về người lao động Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài làm việc ở Việt Nam.

Trong năm 2021, với sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), một mô-đun tích hợp đã được đưa vào Điều tra Lao động Việc làm để thu thập thông tin về người Việt Nam di cư ra nước ngoài làm việc, người lao động về nước và chi phí tuyển dụng cho người Việt Nam di cư ra nước ngoài trong ba năm trước. TCTK đã công bố kết quả vào tháng 12/2022.

Trong quý I/2023, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm đạt 51,1 triệu người, tăng 113,5 nghìn người so với quý trước, tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước và tăng 677,9 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019.

Hiện nay, nguồn số liệu thống kê liên quan đến lao động di cư quốc tế ở Việt Nam khá phong phú và được thu thập ở một số bộ, ngành liên quan khác. Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức tồn tại trong việc lấp đầy các khoảng trống dữ liệu. Các thách thức này gồm việc thiếu khung mẫu cho người lao động nhập cư quốc tế cư trú trong nước, do thông tin không được thu thập trong Tổng điều tra dân số và nhà ở; các vấn đề về tính so sánh và tính nhất quán đối với việc sử dụng dữ liệu hành chính; khả năng chia sẻ dữ liệu và truy cập vào dữ liệu do các bộ khác nhau nắm giữ.

Những khoảng trống trong số liệu thống kê về lao động di cư quốc tế của Việt Nam sẽ cản trở việc lồng ghép hiệu quả chính sách lao động di cư vào các quyết định và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời hạn chế hiệu quả của các công cụ giám sát thực hiện chính sách.

Việc lấp đầy khoảng trống về dữ liệu thống kê lao động di cư quốc tế là yêu cầu bức thiết cần phải thực hiện trong thời gian tới. Với tinh thần đó, TCTK sẽ nghiên cứu để bổ sung thông tin sớm nhất vào các cuộc điều tra sắp tới.

Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I/2023 là 7 triệu đồng, tăng 197 nghìn đồng so với quý trước. Ảnh: Tiên Giang

Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I/2023 là 7 triệu đồng, tăng 197 nghìn đồng so với quý trước. Ảnh: Tiên Giang

Theo thỏa thuận trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), 8 lĩnh vực ngành nghề được tự do di chuyển đã mở ra cơ hội rất lớn về thị trường, nhưng lại là thách thức cho LLLĐ của Việt Nam. Ở dấu mốc 100 triệu dân, theo ông, nước ta cần thêm giải pháp gì để củng cố lợi thế dân số vàng và giúp mỗi người dân khi trưởng thành đều có cơ hội được lao động, phát triển nghề nghiệp?

Trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng hiện nay, đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), LLLĐ của Việt Nam đang đối mặt với thách thức không hề nhỏ. Để có thể hòa nhập và tham gia thị trường lao động thế giới đang ngày càng hội nhập, cần có những giải pháp đồng bộ.

Về phía Nhà nước, chúng ta cần tiếp tục các nỗ lực định hướng nghề nghiệp cho các lao động tương lai. Có định hướng nghề nghiệp sẽ giúp xác định chính xác mục tiêu học tập và giúp người lao động thành công trong tương lai; đặc biệt có định hướng nghề nghiệp đúng đắn sẽ làm giảm nguy cơ bỏ nghề, làm trái nghề, làm nhiều nghề khác nhau hoặc tệ hơn là thất nghiệp.

Về phía người dân, từng người lao động cần trau dồi kiến thức và kỹ năng một cách hoàn chỉnh, thay đổi tư duy học ngay trên ghế nhà trường; cần tự nghiên cứu, tự học nhiều hơn, lý thuyết cần phải đi đôi với thực hành, thực tiễn. Ngoài ra, người lao động có ngoại ngữ lưu loát là một lợi thế, là một “vũ khí” lợi hại khi tham gia thị trường lao động thế giới.

Tin cùng chuyên mục