Việt Nam đề xuất 3 dự án ưu tiên hợp tác giữa tiểu vùng Mê Kông – Nhật Bản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chính phủ Việt Nam vừa đề xuất 3 dự án ưu tiên hợp tác giữa tiểu vùng Mê Kông - Nhật Bản trong 3 năm tới nhằm tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế và ứng phó với các tác động của dịch Covid-19, dựa trên các trụ cột chính của Báo cáo Tầm nhìn phát triển công nghiệp Mê Kông 2.0 (MIDV 2.0).
Ông Yuhei Wada - Tổng thư ký AMEICC phát biểu tại Cuộc họp Đối thoại Chính phủ - doanh nghiệp (DN) lần 13 và cuộc họp Nhóm công tác AMEICC về phát triển hành lang Đông Tây lần thứ 1 năm 2020 được tổ chức trực tuyến tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào ngày 17/7. Ảnh: Minh Thông
Ông Yuhei Wada - Tổng thư ký AMEICC phát biểu tại Cuộc họp Đối thoại Chính phủ - doanh nghiệp (DN) lần 13 và cuộc họp Nhóm công tác AMEICC về phát triển hành lang Đông Tây lần thứ 1 năm 2020 được tổ chức trực tuyến tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào ngày 17/7. Ảnh: Minh Thông

Cần hiện thực hóa Tầm nhìn phát triển công nghiệp Mê Kông 2.0

Báo cáo Tầm nhìn phát triển công nghiệp Mê Kông 2.0 (MIDV 2.0) được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Mê Kông - Nhật Bản lần thứ 11. Theo đó, các bộ trưởng đã thống nhất việc xây dựng tập trung vào 3 trụ cột là kết nối, đổi mới sáng tạo dựa trên công nghệ số và thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (SDGs).

Trong đó, về kết nối, tối ưu hóa các thủ tục và cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động thương mại (cải thiện việc triển khai thủ tục vận chuyển người và hàng hóa qua biên giới - CBTA, cơ chế một cửa ASEAN), thúc đẩy năng lực cạnh tranh của các DNNVV, thúc đẩy sự hợp tác đầu tư và kinh doanh tiểu vùng và giới thiệu các thông lệ tốt về thương mại quốc tế đến Tiểu vùng.

Đổi mới sáng tạo dựa trên công nghệ số là nhằm nâng cấp các ngành công nghiệp thông qua ứng dụng công nghệ số (thanh toán điện tử, thương mại điện tử…), phối hợp hợp tác đổi mới sáng tạo trong Tiểu vùng. Thực hiện Mục tiêu SDGs theo hướng thúc đẩy nền kinh tế xanh, xây dựng xã hội phát triển bền vững (xây dựng hệ thống quản lý phòng chống ô nhiễm, ứng dụng các công nghệ mới trong quản lý xã hội,…).

Ban Thư ký Mê Kông (AMEICC) được giao xây dựng chương trình hành động và hệ thống đánh giá cụ thể để hiện thực hóa tầm nhìn và trình lên Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế công nghiệp Mê Kông - Nhật Bản lần thứ 12 dự kiến tổ chức trong năm nay, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN.

Chủ trì Cuộc họp đối thoại Chính phủ - doanh nghiệp (DN) lần 13 và Cuộc họp Nhóm công tác AMEICC về phát triển hành lang Đông Tây lần thứ 1 năm 2020 được tổ chức trực tuyến tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) ngày 17/7, ông Yuhei Wada - Tổng thư ký AMEICC cho biết, việc phê duyệt MIDV 2.0 được các bộ trưởng đánh giá như một động lực cho sự kết nối công nghiệp, đồng thời xác định những thách thức mới nổi như: sự phát triển của nền kinh tế số và sự cần thiết phải hiện thực hóa MIDV 2.0 thông qua việc “nâng cao chất lượng cuộc sống trên cơ sở đổi mới sáng tạo”, phát triển nguồn nhân lực và tăng suất và khả năng cạnh tranh của các DNNVV, các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Chuyển đổi số nhanh và xây dựng hạ tầng kỹ thuật số tin cậy

Theo ông Phạm Hoàng Mai - Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại thuộc Bộ KH&ĐT, dịch Covid-19 đã tác động tới cả 2 mặt cung và cầu của nền kinh tế. Chi tiêu, đầu tư, thương mại suy giảm mạnh, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, bán lẻ. Nhu cầu thị trường quốc tế cũng có sự suy giảm mạnh. Đại dịch đã tạo nên sự chuyển đổi của các hoạt động kinh doanh và xã hội, trong đó, xu hướng hạn chế các hình thức tiếp xúc trực tiếp và chuyển sang tiếp xúc gián tiếp qua hạ tầng kỹ thuật số (thương mại điện tử, họp trực tuyến, thanh toán điện tử, tự động hóa,…). Điều này đặt ra yêu cầu cần thích ứng MIDV 2.0 với tình hình mới, đó là chuyển đổi số nhanh hơn trên cơ sở xây dựng hạ tầng kỹ thuật số tin cậy.

Do đó, để hiện thực hóa MIDV 2.0, ông Phạm Hoàng Mai cho biết, Việt Nam xác định những trụ cột ưu tiên chính dựa trên trên khung khổ 3 trụ cột nêu trên và căn cứ vào các ưu tiên phát triển của đất nước.

Thứ nhất, Việt Nam ưu tiên kết nối giao thông một cách toàn diện cả hạ tầng phần cứng và mềm. Về hạ tầng cứng, tập trung kết nối đường bộ xuyên biên giới với các nước láng giềng như: Lào, Campuchia. Nghiên cứu trong khuôn khổ hợp tác GMS cho thấy, việc hoàn thiện hạ tầng thông suốt tuyến hành lang Đông Tây kết nối giữa miền Trung Việt Nam (cảng Đà Nẵng) qua Lào và nối với Myanmar (cảng Dawei) sẽ rút ngắn thời gian vận chuyển từ vùng biển Thái Bình Dương tới Ấn Độ Dương còn 3 ngày so với 10 ngày bằng đường biển. Đó là một ví dụ cho thấy lợi thế về lâu dài của việc kết nối đường bộ giữa các nước Mê Kông. Về hạ tầng mềm, Việt Nam sẽ tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho vận tải liên vận quan biên giới, phối hợp các nước GMS xem xét mở rộng áp dụng mô hình Một cửa Một lần dừng tại các cặp cửa khẩu quốc tế.

Việt Nam cũng mong muốn tăng cường giao thương giữa các DNNVV của Việt Nam với các doanh nghiệp Mê Kông - Nhật Bản. Chính phủ Việt Nam đề nghị cần tổ chức một cách thường xuyên hơn các diễn đàn, hội nghị xúc tiến đầu tư để các doanh nghiệp có thể mở rộng kinh doanh, học hỏi kinh nghiệm từ bên ngoài, đặc biệt là từ các doanh nghiệp Nhật Bản.

Thứ hai, Việt Nam ưu tiên hỗ trợ các hoạt động kinh doanh có ứng dụng công nghệ số như: kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử,... Dịch Covid 19 với những thay đổi về quy cách tiếp xúc, gián đoạn thương mại càng đặt ra cho Chính phủ Việt Nam yêu cầu phải đẩy nhanh việc ứng dụng các nền tảng công nghệ này. Chính phủ Việt Nam mong các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ đẩy mạnh đầu tư hơn nữa vào Việt Nam, hợp tác với các doanh nghiệp trong nước để vừa phát huy lợi thế của công nghệ Nhật Bản và tiềm năng của lực lượng lao động.

Thứ ba, Việt Nam đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng và phát triển các đô thị thông minh - nơi sẽ tập trung phần lớn dân cư trong tương lai để đảm bảo mang lại cuộc sống tốt nhất cho người dân. Bên cạnh đó, là một nước có bờ biển dài, đồng thời ở vị trí hạ nguồn của các dòng sông, Việt Nam đặt chú trọng vào vấn đề an ninh nguồn nước, môi trường ven biển, phòng chống các tác động của nước biển dâng, nguy cơ xâm thực.

Với những ưu tiên trên, phù hợp với đặc thù của Hợp tác Mê Kông - Nhật Bản, Việt Nam đã đề xuất và phối hợp với Ban Thư ký lựa chọn 3 dự án ưu tiên. Một là Dự án “Tăng cường hỗ trợ DNNVV tham gia thị trường khu vực thông qua công nghệ số và nền kinh tế số” với đầu mối là Bộ Công Thương Việt Nam nhằm nghiên cứu về xây dựng cổng thông tin một cửa, tăng cường năng lực cho các chủ doanh nghiệp về thương mại điện tử và đổi mới sáng tạo dựa trên công nghệ số.

Hai là Dự án “Sử dụng ứng dụng ICT trong giám sát lũ quét và hệ thống cảnh báo sớm cho các nước thành viên Mê Kông” với đầu mối là Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam nhằm rà soát việc ứng dụng ICT cảnh báo lũ hiện nay, lắp đặt, lựa chọn công nghệ cảnh báo lũ phù hợp trên các lưu vực sông qua các nước Mê Kông.

Ba là Dự án “Thúc đẩy quản lý bền vững và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn tại Tiểu vùng Mê Kông thông qua việc chia sẻ nguồn cây giống và kinh nghiệm quản lý” với đầu mối là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhằm tìm các giải pháp mềm trong việc bảo vệ, phòng chống việc xâm nhập mặn và đa dạng hóa hệ sinh thái ven biển của Việt Nam và các nước tham gia.

“Dịch Covid 19 đặt ra những thách thức toàn cầu, ở Tiểu vùng Mê Kông chúng ta đó là thách thức trực tiếp tới sinh kế của người dân nơi điều kiện kinh tế rất dễ bị tổn thương, dịch đã dẫn tới sự suy giảm của cả phía cung và cầu, sự đứt gãy của dòng chảy thương mại và du lịch. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần nhanh chóng phối hợp hành động, đưa ra các giải pháp để sớm ổn định sinh kế cho người dân, duy trì và khôi phục hoạt động của các doanh nghiệp trong tiểu vùng, thích ứng với tình hình mới”, đại diện phía Việt Nam cho biết.