Việt Nam phấn đấu trồng 21.000 ha sâm đến năm 2030

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự kiến năm 2030, Việt Nam trồng 21.000 ha sâm, thu 300 tấn mỗi năm và sâm Việt Nam trở thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y - dược và chăm sóc sức khỏe, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia.
Xây dựng vùng bảo tồn nguyên vị (in situ) và vườn sưu tập (ex situ) nguồn gen cây sâm Việt Nam tại một số vùng sinh thái điển hình
Xây dựng vùng bảo tồn nguyên vị (in situ) và vườn sưu tập (ex situ) nguồn gen cây sâm Việt Nam tại một số vùng sinh thái điển hình

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định 611/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Mục tiêu đến năm 2030, nguồn gen sâm Việt Nam ngoài tự nhiên được bảo tồn, gắn với bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ sinh thái rừng.

Phấn đấu diện tích trồng sâm đạt khoảng 21.000 ha vào năm 2030, 100% diện tích trồng sâm Việt Nam được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý.

Sản lượng khai thác sâm từ năm 2030 đạt khoảng 300 tấn/năm (diện tích khai thác khoảng 1.000 ha/năm), đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GACP - WHO (thực hành tốt nuôi trồng và thu hái) hoặc tương đương.

Chín tỉnh trong Chương trình (Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên) sẽ trồng 21.000 ha, trong đó Quảng Nam 8.400 ha, Kon Tum 8.100 ha, Lai Châu 3.000 ha, Điện Biên 500 ha, Gia Lai 800 ha. Các tỉnh Lâm Đồng, Lào Cai, Thừa Thiên Huế, Nghệ An mỗi tỉnh 8 đến 40 ha. Sâm được trồng dưới tán rừng phòng hộ, rừng sản xuất và đất nông nghiệp khác, không trồng trong rừng đặc dụng.

Trong đó, phát triển vùng nguyên liệu sâm Việt Nam quy mô hàng hóa tại các tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum và Lai Châu.

Đầu tư, xây dựng các cơ sở sơ chế và chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Việt Nam gắn với vùng nguyên liệu, sản xuất theo chuỗi, trong đó có khoảng 50% cơ sở sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng GMP-WHO (thực hành sản xuất tốt).

Định hướng đến năm 2045 phát triển sâm Việt Nam trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho các địa phương, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm lớn trên thế giới.

Sâm Việt Nam có bốn loại, gồm sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensisHa et Grushv), sâm Lai Châu (Panax vietnamensisvar.fiscidiscusK.Komatsu, S.Zhu & S.Q.Cai), sâm Lang Biang (Panaxvietnamensisvar.langbianensisN.V.Duy, V.T.Tran&L.N.Trieu) và sâm Puxailaileng (Panax sp).

Trong đó, sâm Ngọc Linh được trồng trên ngọn núi cùng tên thuộc tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Loại này có giá trị cao nhất, được xem như "quốc bảo". Hiện Kon Tum và Quảng Nam đã trồng, phát triển hơn 6.000 ha sâm dưới tán rừng. Tuy nhiên, hai tỉnh đang thiếu quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, thiếu nguồn giống đảm bảo chất lượng, thiếu cơ sở chế biến sâu...

Tin cùng chuyên mục