Việt Nam cần hủ động đối phó với các biến động về tỷ giá. Ảnh minh họa: Internet |
Đây là những khuyến nghị chính sách lớn của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) để có thể tận dụng cơ hội, giảm rủi ro tác động từ các biến động kinh tế, địa chính trị thế giới trong năm 2019 và trung, dài hạn.
Xu hướng phục hồi của kinh tế thế giới kể từ năm 2017, theo một số đánh giá, chỉ mang tính chu kỳ nhờ tác động từ việc nới lỏng tiền tệ kéo dài, mở rộng tài khóa, đặc biệt là các nền kinh tế chủ chốt. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), chu kỳ tăng trưởng của kinh tế thế giới có thể sẽ chỉ duy trì thêm trong năm 2019, sau đó sẽ giảm xuống với việc tăng chậm lại của các nền kinh tế chủ chốt như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc. IMF dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2019 tương đương năm 2017 và 2018 là 3,7%; xuất nhập khẩu nguy cơ giảm do chiến tranh thương mại và chính sách bảo hộ của Mỹ. Về đầu tư, nhiều doanh nghiệp (DN) sẽ rút vốn về Mỹ do thuế giảm và sự tăng cường đầu tư vào lĩnh vực công nghệ. Về tài chính, đồng USD tiếp tục tăng giá do kinh tế Mỹ được kích thích trong ngắn hạn và xu hướng FDI quay về Mỹ; nhân dân tệ giảm giá; bảng Anh giảm giá do Brexit.
Là nền kinh tế có độ mở cao, dù muốn hay không, kinh tế Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng từ những sự kiện, biến động của thế giới.
Nói về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, theo ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Ban Kinh tế thế giới của NCIF, tác động của cuộc chiến này đối với Việt Nam năm 2018, 2019 có thể chưa nhiều, nhưng năm 2020 - 2021 sẽ rõ nét hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam có thể tận dụng được xu hướng chuyển dịch dòng vốn FDI khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, TS. Trần Toàn Thắng cho biết, một khảo sát cho thấy, nhiều DN của Mỹ ở Trung Quốc có dự định chuyển ra khỏi Trung Quốc, nhưng việc dịch chuyển không rõ ràng. Lý do còn cân nhắc là vì Trung Quốc vẫn là thị trường lớn, đầu tư tại Trung Quốc vẫn rất có lợi cho DN Mỹ. Trung Quốc là đầu mối của chuỗi giá trị toàn cầu, rời khỏi Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến chi phí sản xuất toàn cầu. Chi phí dịch chuyển cao, trong khi chi phí sản xuất tại Trung Quốc vẫn còn rẻ. Ví dụ, một DN gạch ốp lát tại Trung Quốc có thể chịu thuế tăng 10 - 15%, nhưng nếu chuyển sang Việt Nam thì chi phí sản xuất tăng 20 - 25%, vì lao động Việt Nam giá rẻ nhưng năng suất thấp, tổng chi phí sản xuất cao.
Số liệu của NCIF cho thấy, dù Mỹ đã áp thuế với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng. Trong 9 tháng năm 2018, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc lên tới 305,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước là 276,6 tỷ USD).
Về Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), NCIF cho rằng, 3 đối tác lớn nhất của Việt Nam trong CPTPP là Nhật Bản, Malaysia, Singapore đều đã có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, tuy nhiên mức độ mở cửa thấp hơn so với CPTPP. Giá trị gia tăng của CPTPP về thuế không nhiều. Tác động tiêu cực lên thu ngân sách nhà nước rất hiển nhiên, trong khi tác động tích cực chưa rõ ràng. Những ngành thâm dụng lao động sẽ có tác động tương đối tích cực, còn tác động tiêu cực đối với một số ngành dịch vụ, nông nghiệp.
Riêng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được NCIF dự báo là có thể đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. GDP, xuất khẩu, nhập khẩu đều tăng thêm đáng kể từ năm 2020 trở đi.