Tại thời điểm cuối năm 2020, VietABank phát sinh các khoản phải thu liên quan đến hoạt động mua bán nợ có tổng giá trị 1.571,8 tỷ đồng. Ảnh: Trần Việt |
Theo quyết định vừa được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) ban hành, hơn 444,9 triệu cổ phần VietABank sẽ lên sàn UPCoM với mã VAB. Số lượng cổ phiếu đăng ký giao dịch này tương ứng với vốn điều lệ hiện tại của Ngân hàng là 4.449 tỷ đồng.
Tình hình tài chính của VietABank khá "kín đáo" khi Ngân hàng không công bố phần thuyết minh báo cáo tài chính trong nhiều năm. Báo cáo tài chính năm 2020 được VietABank công bố mới đây phần nào cho thấy rõ tình hình tài chính của nhà băng này.
Năm 2020, VietABank ghi nhận nhiều khởi sắc từ hoạt động huy động vốn và tín dụng. Cụ thể, dư nợ cho vay khách hàng đạt 47,8 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với đầu năm; số dư tiền gửi của khách hàng đạt 59,3 nghìn tỷ đồng, tăng 24,8% so với cuối năm 2019. Tính đến ngày 30/6/2020, tổng tài sản của VietABank đạt 86,6 nghìn tỷ đồng, tăng 13,2% so với đầu năm. Tháng 8/2020, VietABank là một trong 17 ngân hàng hoàn tất mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu đặc biệt đã bán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Việc xử lý sớm nợ VAMC giúp Ngân hàng giảm áp lực về chi phí dự phòng rủi ro, cải thiện chất lượng tài sản và tạo đà tăng trưởng lợi nhuận cho các năm tiếp theo.
Tỷ lệ nợ xấu của VietABank tính đến cuối năm 2020 tăng mạnh so với thời điểm đầu năm, từ mức 1,18% lên 2,29%. Trong tổng nợ xấu, nợ nghi ngờ mất vốn tăng hơn 10 lần, từ mức 46,6 tỷ đồng lên 507,1 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn tăng 71,6%, từ 86,5 tỷ đồng lên 148,5 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn tăng 22,7% lên 456,1 tỷ đồng.
VietABank được thành lập ngày 9/5/2003 trên cơ sở hợp nhất 2 tổ chức tín dụng là Công ty Tài chính cổ phần Sài Gòn và Ngân hàng TMCP Nông thôn Đà Nẵng. Với số vốn điều lệ 4.449 tỷ đồng, cổ đông lớn hiện đang sở hữu 12,21% vốn của VietABank là Công ty CP Tập đoàn đầu tư Việt Phương (Việt Phương Group) của ông Phương Hữu Việt. Ngoài ra, một cổ đông lớn khác của VietABank là Công ty CP Rạng Đông (sở hữu 7,35% vốn điều lệ) - tập đoàn đa ngành tại Bình Thuận.
Đáng chú ý, tại thời điểm cuối năm 2020, VietABank phát sinh các khoản phải thu liên quan đến hoạt động mua bán nợ có tổng giá trị 1.571,8 tỷ đồng được ghi nhận trong mục “tài sản có khác” trên báo cáo tài chính.
Cụ thể là khoản phải thu với Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Dịch vụ LT liên quan đến hợp đồng mua bán nợ của Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Bảo Ngọc Quỳnh Trang và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng HPA Việt Nam với tổng giá trị 492,1 tỷ đồng; khoản phải thu với Công ty CP Đầu tư Phát triển Công nghệ và Năng lượng mới Việt Nam liên quan đến hợp đồng mua bán nợ của Công ty TNHH Quản lý và Phát triển Năng lượng WSW (436,7 tỷ đồng) và Công ty TNHH Xây dựng và Đầu tư Hoàng Hiệp Thăng Long (593 tỷ đồng); khoản phải thu với cá nhân Nguyễn Trọng Minh liên quan đến hợp đồng mua bán nợ của Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Thành Lợi với giá trị 50 tỷ đồng.
Một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho biết, đây có thể là nghiệp vụ ngân hàng bán nợ cho đối tác để xử lý hộ. Qua đó sẽ giúp điều chuyển cho vay khách hàng sang “tài sản có khác”, làm tăng chất lượng dư nợ…
Về tình hình kinh doanh, trong giai đoạn từ năm 2017 - 2020, VietABank đều ghi nhận mức thu nhập lãi thuần ổn định trên 1.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế có xu hướng tăng dần, từ mức 98 tỷ đồng trong năm 2017 lên 332 tỷ đồng năm 2020. Kết thúc quý I/2021, thu nhập lãi thuần và lãi sau thuế của VietABank lần lượt đạt 243 tỷ đồng và 125 tỷ đồng, tương ứng tăng 15% và tăng hơn 54% so với cùng kỳ năm 2020.