Không theo trào lưu ồ ạt tăng vốn sau niêm yết, kể từ khi chào sàn Chứng khoán Hà Nội, Vinaconex 7 mới chỉ trải qua 1 lần tăng vốn điều lệ từ mức 50 tỷ đồng lên 80 tỷ đồng năm 2010 và giữ nguyên mức vốn đó cho đến nay. Dự kiến trong quý IV năm nay hoặc quý I năm sau, Vinaconex 7 sẽ phát hành thêm 3 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 8:3 để tăng vốn. Nguồn vốn phát hành 30 tỷ đồng lấy từ thặng dư vốn cổ phần (25 tỷ đồng) và Quỹ đầu tư phát triển (5 tỷ đồng).
Trong 3 năm trở lại đây, cổ phiếu VC7 đã tăng trưởng ngoạn mục từ mức chưa đến một nửa mệnh giá lên mức 24.600 đồng hiện tại và mang lại không ít lợi nhuận cho các cổ đông lâu năm của Công ty.
Quý III/2016, Vinaconex 7 đạt lợi nhuận 7,3 tỷ đồng, gấp 3,8 lần kết quả cùng kỳ 2015. Lũy kế 6 tháng, Vinaconex 7 báo lãi 11,3 tỷ đồng, bằng 2,8 lần kết quả 9 tháng đầu năm 2015. Thu nhập bình quân trên mỗi cổ phần của Công ty đạt 1.418 đồng. Lợi nhuận 9 tháng năm 2016 của Vinaconex 7 đã vượt kết quả đạt được trong cả năm 2015 (lãi 7,2 tỷ đồng).
Trong 9 tháng đầu năm nay, Vinaconex 7 tiếp tục không vay nợ dài hạn. Số dư nợ dài hạn của Công ty tính đến cuối quý III/2016 tiếp tục ở mức 0 đồng. Tuy nhiên, nợ ngắn hạn của Vinaconex 7 lại lên tới 296 tỷ đồng, trong đó 156,6 tỷ đồng là khoản mục người mua trả tiền trước, 31,2 tỷ đồng vay ngắn hạn. Trong 9 tháng đầu năm, Vinaconex 7 thu 9,3 tỷ đồng lãi từ tiền gửi và cho vay, trong khi chỉ mất 2,4 tỷ đồng cho việc trả lãi vay.