SCIC có kế hoạch thoái vốn tại 4 doanh nghiệp lớn trong tháng 12/2017. Ảnh: Lê Tiên |
Kết quả kinh doanh tích cực trong 9 tháng đầu năm và kế hoạch tái cơ cấu sẽ là một điểm cộng của các doanh nghiệp này trong đợt thoái vốn do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tổ chức sắp tới.
Vinaconex
Chỉ riêng trong quý III/2017, Vinaconex đạt 2.435 tỷ đồng doanh thu thuần và 259,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng tương ứng 3% và 30% so với cùng kỳ năm 2016. Lũy kế 9 tháng, Vinaconex đạt 622,8 tỷ đồng, tăng 31% so với 9 tháng 2016 và hoàn thành vượt 40,5% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm 2017. Trong cơ cấu 6.624 tỷ đồng doanh thu thuần trong 9 tháng đầu năm (tăng 18% so với cùng kỳ 2016), hoạt động xây lắp mang lại 4.180 tỷ đồng, chiếm 63%. Hoạt động sản xuất công nghiệp và bất động sản mang lại lần lượt 1.020 tỷ đồng (chiếm 15% doanh thu thuần) và 724 tỷ đồng (chiếm 11% doanh thu thuần).
Trong buổi Roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư Vinaconex diễn ra vào ngày 16/11, SCIC cho biết sẽ bán 96,25 triệu cổ phiếu VCG (tương đương 21,79% vốn điều lệ) vào ngày 8/12 và giá khởi điểm chào bán dự kiến công bố vào ngày 28/11. Sau giao dịch này, SCIC vẫn còn nắm giữ 36% cổ phần VCG.
Tổng giám đốc Đỗ Trọng Quỳnh cũng cho biết, trọng tâm của Vinaconex trong thời gian tới vẫn là tái cấu trúc doanh nghiệp, giảm tỷ lệ sở hữu hoặc thoái hoàn toàn vốn hoặc giải thể tại một số đơn vị thành viên.
Mới đây nhất, Vinaconex vừa công bố thoái toàn bộ 51% vốn nắm giữ tại Công ty CP Nước sạch Vinaconex và nếu thực hiện thành công Vinaconex sẽ thu về ít nhất gần 1.000 tỷ đồng cùng với việc trở thành nhà thầu thi công toàn bộ phần xây dựng của Dự án Nước Sông Đà 2. Ngoài ra, Vinaconex dự kiến sẽ thoái 41% vốn tại Vimeco.
Song song với việc thoái vốn tại một số doanh nghiệp, Vinaconex cũng sẽ thành lập 2 công ty con nắm giữ 100% vốn, bao gồm Công ty Xây dựng Vinaconex và Công ty Đầu tư Vinaconex, đây là 2 công ty chủ lực của Vinaconex.
FPT
Theo báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, doanh thu FPT đạt 31.131 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ 2016 và lợi nhuận trước thuế đạt 2.308 tỷ đồng, tăng 14,7%. Trong đó, doanh thu mảng phát triển phần mềm đạt 4.875 tỷ đồng và mang lại hơn 597 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 25,2% so với cùng kỳ 2016. Tiếp theo là mảng dịch vụ viễn thông đóng góp 5.216 tỷ đồng (tăng 13,9% so với cùng kỳ 2016) và 736 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 8,9%).
Hai hoạt động mang lại doanh thu lớn nhất là mảng phân phối (đóng góp 8.703 tỷ đồng, giảm 2,9% so với cùng kỳ 2016) và mảng bán lẻ (9.002 tỷ đồng, tăng 22,2%) nhưng chỉ mang lại lợi nhuận trước thuế tương ứng 261 tỷ đồng (tăng 8,8%) và 219 tỷ đồng (tăng 39,5%). Ngoài ra, mảng quảng cáo trực tuyến đóng góp 374 tỷ đồng doanh thu (tăng 9% so với cùng kỳ 2016) và 201 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 13,6%).
Một điểm đáng chú ý với FPT là doanh nghiệp này đã hoàn tất việc chuyển nhượng 6 triệu cổ phần của FPT Retail (tương đương 30% vốn điều lệ). Đồng thời FPT cũng hoàn tất việc bán 47% cổ phần tại FPT Trading cho Synnex và nhận được tổng cộng 932 tỷ đồng, bao gồm tiền nhận được từ Synnex và lợi nhuận giữ lại của FPT Trading.
Năm 2016, FPT Retail và FPT Trading đóng góp 56% tổng doanh thu nhưng chỉ mang lại 16% tổng lợi nhuận sau thuế của FPT. Việc thoái vốn này sẽ giúp FPT thu về nguồn tiền mặt lớn và trở thành công ty thuần về công nghệ.
Hiện tại SCIC đang nắm giữ 5,96% vốn điều lệ của FPT nên nhiều khả năng trong đợt thoái vốn dự kiến có thể diễn ra cuối tháng 12 sắp tới SCIC, sẽ thoái toàn bộ số cổ phần này.
Domesco
Trong quý III/2017, doanh thu của Domesco đạt 336 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 51 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ 2016. Lũy kế 9 tháng đầu năm Domesco đạt gần 948 tỷ đồng doanh thu và 158 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt gần 6% và 24% so với cùng kỳ năm 2016. Do vậy, thu nhập trên một cổ phần (EPS) trong 9 tháng của Domesco cũng tăng mạnh (33,8%) so với cùng kỳ 2016, đạt 4.547 đồng/CP.
Domesco là một trong những doanh nghiệp đầu tiên được chấp thuận nới room ngoại lên 100%, nhưng đến thời điểm hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài cũng chỉ mới nắm gần 63% vốn. Như vậy sẽ có rất nhiều cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài gia tăng sở hữu tại doanh nghiệp dược hàng đầu Việt Nam này. Hiện tại SCIC đang sở hữu 34,71% vốn điều lệ của Domesco.