Vinalines báo lỗ luỹ kế xấp xỉ 3.000 tỷ đồng trước thềm họp đại hội đồng cổ đông lần đầu

Việc thoái bớt vốn khỏi Vitranschart cùng với nguồn thu từ thanh lý tàu mặc dù hỗ trợ đáng kể cho kết quả kinh doanh của Vinalines song vẫn không “cứu” tổng công ty này thoát khỏi thua lỗ trong quý I/2019. Lỗ luỹ kế đến cuối tháng 3 năm nay đã gần 3.000 tỷ đồng.
Vinalines ghi nhận có lãi trước thuế trong quý I/2019 nhưng vẫn báo lỗ sau thuế, doanh thu sụt 10% so cùng kỳ
Vinalines ghi nhận có lãi trước thuế trong quý I/2019 nhưng vẫn báo lỗ sau thuế, doanh thu sụt 10% so cùng kỳ

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP (Vinalines - mã chứng khoán MVN) vừa công bố thông tin về việc lập danh sách cổ đông có quyền tham dự họp ĐHĐCĐ lần đầu.

Cụ thể, ngày dự kiến đăng ký cuối cùng lập danh sách cổ đông có quyền tham dự họp ĐHĐCĐ lần đầu của Vinalines là 10/7/2019 và ngày dự kiến tổ chức phiên họp này là 29/7/2019. Theo kế hoạch trước đó, phiên họp ĐHĐCĐ lần đầu của Vinalines dự kiến diễn ra vào 24/6 tới và ngày đăng ký cuối cùng là 24/5, song do chưa đủ điều kiện tổ chức theo quy định nên lịch họp đã phải lùi lại thêm 1 tháng.

Vinalines họp ĐHĐCĐ thường niên sau khi được chuyển về Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Báo cáo tài chính quý I/2019 của Vinalines cho thấy, tại ngày 31/3, doanh nghiệp này có 26.218 tỷ đồng tổng tài sản (giảm hơn 140 tỷ đồng so với đầu năm). Trong đó, tài sản ngắn hạn ở thời điểm này đạt 8.717,3 tỷ đồng.

Nợ phải trả trong 3 tháng đầu năm cũng đã giảm được 106,5 tỷ đồng còn 17.124,8 tỷ đồng vào cuối tháng 3. Tuy nhiên, nợ phải trả lại tăng lên 9.457,3 tỷ đồng, vượt quá giá trị tài sản ngắn hạn.

Trong quý đầu tiên của năm 2019 này, bức tranh sản xuất kinh doanh của Vinalines vẫn còn rất ảm đạm dù đã nỗ lực giảm lỗ.

Cụ thể, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ sụt giảm gần 10% so với cùng kỳ, còn 2.769,3 tỷ đồng. Nhờ giá vốn hàng bán giảm đang kể so với quý I/2018 nên lợi nhuận gộp của Vinalines kỳ vừ rồi đạt 340,3 tỷ đồng, tăng gần 2% so cùng kỳ.

Theo dữ liệu tại báo cáo tài chính, hiện có 19 công ty con và 27 công ty liên kết, liên doanh. Tuy nhiên, liên kết, liên doanh trong kỳ vừa rồi tiếp tục mang về thua lỗ với khoản lỗ kỳ này gần 16 tỷ đồng, giảm so với con số lỗ 25 tỷ đồng hồi năm ngoái. Chi phí bán hàng tăng hơn 5 tỷ đồng song chi phí quản lý doanh nghiệp lại giảm được khoảng 10 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Kinh doanh “thu không đủ bù chi”, con số lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Vinalines trong quý I ghi nhận âm 18,8 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ thuần gần 70 tỷ đồng). Nhờ có khoản lợi nhuận khác đạt hơn 43,1 tỷ đồng (chủ yếu từ thanh lý tàu) nên Vinalines có lãi trước thuế 24,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế thì doanh nghiệp này lại vẫn lỗ sau thuế tới 29,7 tỷ đồng trong quý I/2019 và lỗ ròng thuộc về công ty mẹ là 57,5 tỷ đồng. Các con số này đã giảm đáng kể so với lỗ sau thuế của quý I/2018 là 105 tỷ đồng và lỗ ròng công ty mẹ hơn 85,1 tỷ đồng.

Vinalines cho biết, quý I năm nay giảm lỗ so với cùng kỳ là nhờ vào việc thoái bớt vốn khoản đầu tư vào Công ty CP Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (Vitranschart) vào cuối năm 2018 nên trong quý I/2019 không còn hợp nhất kết quả lỗ của Vitranschart trên kết quả kinh doanh.

Với tình hình kinh doanh thua lỗ trong 3 tháng đầu năm, lỗ luỹ kế của Vinalines đến 31/3/2019 đã bị đẩy lên mức 2.990,4 tỷ đồng.

Cổ phiếu MVN của Vinalines chào sàn UPCoM từ hồi tháng 10 năm ngoái, song bị hạn chế giao dịch là tổ chức kiểm toán đã từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán đối với BCTC hợp nhất 2017 của doanh nghiệp. Mã này chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần.

Đến ngày 26/4/2019 vừa rồi thì MVN được “tháo vòng kim cô”, được giao dịch trở lại bình thường sau khi tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoài trừ với BCTC hợp nhất năm 2018, khắc phục nguyên nhân dẫn đến tình trạng chứng khoán bị hạn chế giao dịch. Tuy vậy, thanh khoản MVN vẫn rất thấp, thời gian gần đây hầu như rơi vào tình trạng “chết thanh khoản”, không xảy ra giao dịch nào. Thị giá MVN hiện ở mức 14.300 đồng/cổ phiếu.

Tin cùng chuyên mục