10 tháng đầu năm 2023, Vĩnh Phúc thu hút gần 558 triệu USD vốn đầu tư FDI, tăng 34,82% so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh Internet |
Phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn
Thông tin về tình hình phát triển của DN Vĩnh Phúc trong 10 tháng đầu năm 2023, ông Phạm Quang Thắng cho biết, tính đến ngày 15/10, toàn Tỉnh có 1.246 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 14.400 tỷ đồng, tăng 11% về số DN so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh số DN thành lập mới, trong thời gian này, Vĩnh Phúc cũng có 318 DN quay trở lại thị trường (cùng kỳ năm 2022 là 364 DN).
Hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng khởi sắc với số vốn đăng ký tăng cao so với cùng kỳ năm trước. 10 tháng đầu năm 2023, Tỉnh thu hút gần 558 triệu USD vốn đầu tư FDI, tăng 34,82% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 139,4% kế hoạch. Đồng thời, thu hút vốn đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) đạt hơn 21 nghìn tỷ đồng, bằng 215,5% so với cùng kỳ năm 2022 và vượt 4,26 lần so với kế hoạch năm 2023.
“Điều này cho thấy hoạt động sản xuất - kinh doanh của các DN trên địa bàn đã có những tín hiệu phục hồi”, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc nhìn nhận.
Tuy vậy, ông Thắng cho biết, hoạt động sản xuất - kinh doanh của các DN trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi số lượng DN thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh vẫn còn cao. Cụ thể, trong 10 tháng 2023, Vĩnh phúc có 673 DN tạm ngừng kinh doanh, tăng 31,45% so với cùng kỳ năm trước và 114 DN đã hoàn tất việc giải thể, tăng 67,6%.
Theo Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, Tỉnh là địa phương có kinh tế mở cao nên mỗi khi thị trường thế giới có biến động thì hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN trên địa bàn cũng bị tác động trực tiếp. Thực tế, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu thời gian vừa qua, tiếp đó là xung đột quân sự leo thang ở một số quốc gia… đã khiến đơn hàng của các DN trên địa bàn Vĩnh Phúc giảm sút.
“Theo tổng hợp sơ bộ, vẫn còn có gần 100 DN quy mô lớn trên địa bàn bị sụt giảm đơn hàng. Nhiều DN vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn…”, ông Thắng cho hay.
Số liệu tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc cũng cho thấy, trong tháng 10/2023, sản xuất công nghiệp trên địa bàn Tỉnh đã khả quan hơn những tháng trước. Song, nhìn chung tình hình sản xuất công nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 10 ước tăng 8,02% so với tháng trước và tính chung 10 tháng giảm 2,07% so với cùng kỳ năm 2022.
Hầu hết sản lượng sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Tỉnh trong 10 tháng đầu năm đều giảm so với cùng kỳ như: thức ăn gia súc giảm 5,63%; giày thể thao giảm 17,59%; gạch ốp lát giảm 26,17%; xe ô tô các loại giảm 25,84%; xe máy các loại giảm 9,20%. Riêng doanh thu linh kiện điện tử tăng 5,87% nhưng đây là mức tăng thấp nhất của 10 tháng đầu năm giai đoạn 2019 - 2023.
Theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Tỉnh phấn đấu trở thành tỉnh có công nghiệp phát triển. Ảnh minh họa: Internet |
Quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Với tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN trên địa bàn còn có nhiều khó khăn, thách thức, trong khi các dự báo cũng cho thấy, tình hình kinh tế thế giới sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, ông Thắng cho biết, Vĩnh Phúc đã và đang quyết liệt thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN.
“Vĩnh Phúc tăng cường đối thoại với DN; thành lập các tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho DN, trong đó có tổ công tác của Chủ tịch UBND Tỉnh để mỗi khi DN phản ánh đến thì đích thân Chủ tịch giải quyết ngay…”, ông Thắng thông tin.
Cùng với đó, Vĩnh Phúc không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện cho DN phát triển.
Cũng theo ông Thắng, mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt Đề án Hỗ trợ DN nhỏ và vừa trên địa bàn Tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa; cụ thể hóa các chính sách, chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa của Trung ương và của Tỉnh…
Trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước những cơ hội phát triển mới, đặc biệt là ở những ngành, lĩnh vực kinh tế có hàm lượng công nghệ, giá trị cao như: công nghiệp bán dẫn, công nghệ môi trường, nhà máy thông minh…, Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc cho hay, Tỉnh sẵn sàng nắm bắt cơ hội phát triển.
“Tháng 4/2023, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt Đề án thu hút nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại Tỉnh đến năm 2030, trong đó có những giải pháp thu hút nhà đầu tư lĩnh công nghiệp chế biến chế tạo công nghệ cao, bao gồm: công nghiệp máy tính, điện thoại và điện tử; công nghiệp bán dẫn; công nghiệp ô tô, xe máy điện và công nghiệp dược phẩm, nông nghiệp công nghệ cao có tổng mức vốn đầu tư từ 2.000 tỷ đồng trở lên; dự án của các tập đoàn đa quốc gia đầu chuỗi và nhà cung ứng then chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu… Vĩnh Phúc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư để họ yên tâm đến với Tỉnh”, ông Thắng chia sẻ.
Theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Tỉnh phấn đấu trở thành tỉnh có công nghiệp phát triển, là một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước trên cơ sở khai thác, phát huy tiềm năng lợi thế cho phát triển với việc phát huy sức sáng tạo, ý chí, khát vọng phát triển của mỗi người dân; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cũng như khai thác những động lực mới cho tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo…
Để đạt mục tiêu này, Tỉnh sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, các khâu đột phá tại Nghị quyết số 01-NQ/ĐH XVII ngày 16/11/2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII để tháo gỡ điểm nghẽn trong phát triển, trong đó có điểm nghẽn về phát triển DN. Điển hình, Tỉnh tập trung rà soát loại bỏ những thủ tục, quy định đang làm phức tạp, khó khăn, cản trở các nhà đầu tư; khắc phục tình trạng ban hành những cơ chế chính sách mới không đảm bảo tính khả thi, không thực hiện được hoặc thực hiện không hiệu quả; xây dựng các cơ chế đặc thù về giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, huy động, sử dụng vốn đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu phát triển cho nền kinh tế…