Ảnh minh họa. |
Đây là nền tảng tốt cho một sự ổn định trở lại của TTCK trong năm 2019, với biên độ dao động hẹp hơn (khoảng ±10%), cho VN Index quanh ngưỡng 1.000 điểm.
Không chìm theo sóng dữ
Theo TS. Hồ Thúy Ái, giảng viên Đại học Ngân hàng TPHCM, nền tảng vĩ mô của Việt Nam khá vững chắc và có cơ hội lớn nhờ sự kiên định vào chủ trương cải cách, hội nhập sâu rộng của Chính phủ trong thời gian qua. Năm 2019, điểm tích cực của nền kinh tế là Chính phủ vẫn ưu tiên phát triển ổn định kinh tế vĩ mô.
“So với các năm trước, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8% là không quá tham vọng, nhưng so với mặt bằng chung của các quốc gia khác thì chỉ tiêu của Việt Nam là một điểm sáng. Để đạt mục tiêu đó, Chính phủ sẽ có những giải pháp để tăng cường cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo” - TS. Hồ Thúy Ái nhận định.
Mặc dù vậy, TS. Ái lưu ý thử thách của nền kinh tế Việt Nam cũng không hề nhỏ, vì với độ mở của nền kinh tế ngày càng cao, tác động từ các rủi ro toàn cầu sẽ ngày càng lớn. Để tăng khả năng chống đỡ với những rủi ro từ bên ngoài, Việt Nam đang hướng đến xây dựng một nền kinh tế tự cường dựa trên sự ổn định và phát triển bền vững.
3 thách thức lớn từ thế giới dự kiến Việt Nam phải đối diện trong năm 2019 là: Tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu; xu hướng bảo hộ thương mại mậu dịch và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung; xu hướng thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu.
Ông Lu Hui Hung, Giám đốc Khối Phân tích và Tự doanh PHS, cho rằng năm 2019, mục tiêu ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế sẽ được đặt lên hàng đầu trong năm tài khóa 2019. Do đó, các chính sách tiền tệ sẽ tập trung vào việc điều hành ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát.
Việt Nam có nhiều thuận lợi trong bối cảnh hiện nay khi được nhìn nhận là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa có hiệu lực, sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI tích cực.
“Với nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam khó có thể miễn nhiễm với những biến động của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, tôi tin Việt Nam sẽ vượt qua được những ảnh hưởng tiêu cực từ các biến động của nền kinh tế thế giới” - ông Lu Hui Hung nói.
Kỳ vọng thị trường mới nổi
Với những thuận lợi của nền kinh tế, ông Lu Hui Hung cho rằng đây là nền tảng tốt cho một sự ổn định trở lại của TTCK trong năm 2019, với một biên độ dao động hẹp hơn cho VN Index quanh ngưỡng 1.000 điểm, khoảng ±10%. Tại ngưỡng này, thị trường tiếp tục duy trì được mức định giá P/E hấp dẫn, từ 15-17 lần, nhờ mức tăng trưởng lợi nhuận dự kiến trong năm nay của các doanh nghiệp niêm yết vào khoảng 15%.
Theo TS. Hồ Thúy Ái, việc Chính phủ ban hành đề án cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm giai đoạn 2018-2019, tầm nhìn đến năm 2025, đã đặt ra các mục tiêu tăng trưởng lớn cho TTCK Việt Nam. Trong đó, đề án đã đưa ra mục tiêu về việc nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trong bảng xếp hạng MSCI. Mục tiêu cụ thể, lộ trình rõ ràng nên khi được nâng hạng, dòng vốn từ các quỹ nước ngoài chắc chắn sẽ gia tăng mạnh tại thị trường Việt Nam.
Ông Lu Hui Hung tin tưởng, với những cải cách tích cực gần đây như việc sắp ban hành Luật CK sửa đổi, thành lập Sở GDCK Việt Nam và tiếp tục giải quyết triệt để vấn đề sở hữu cho NĐTNN sẽ được MSCI đánh giá cao trong lần xem xét sắp tới.
Cũng theo ông Lu, các nhóm ngành như bán lẻ, hàng tiêu dùng, cảng biển, dệt may, CK và ngân hàng được dự báo có mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội so với bình quân thị trường. Trong đó, các doanh nghiệp lớn, đầu ngành với lợi thế cạnh tranh rõ ràng sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.
“Đây là giai đoạn tốt để NĐT có thể tích lũy CP của Việt Nam, chờ đợi cho một cơ hội lớn hơn ở phía trước khi Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi bởi tổ chức MSCI” - ông Lu Hui Hung cho biết.
Về bức tranh hoạt động của doanh nghiệp, theo chuyên gia đến từ PHS, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết đã chậm lại trong 2 quý cuối của năm 2018, dẫn đến mức tăng trưởng thấp cho cả năm. Dự báo tăng trưởng lợi nhuận 2019 ở mức khiêm tốn, nhưng vẫn tương đương mức năm 2018 (nếu loại trừ CP VHM).
Trên nền kịch bản tích cực, vùng định giá cao hơn có thể được thị trường chấp nhận khi Việt Nam nhận được những tín hiệu tích cực từ MSCI và dòng vốn ngoại. Ở kịch bản này, VN Index sẽ dao động trong khoảng 950-1.100 điểm, dựa trên 2 tiền đề là nâng hạng từ MSCI và dòng tiền mạnh vào Việt Nam. Trên con đường nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, những cải cách trong nước sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực.
Ông Lu Hui Hung,Giám đốc Khối Phân tích và Tự doanh PHS