Ảnh minh hoạ. |
Dữ liệu từ Chứng khoán KIS cho thấy, trong tuần trước, hoạt động dòng vốn quỹ ngoại tại Việt Nam bán ròng chiếm ưu thế nhưng áp lực bán ở mức thấp. Giá trị bán ròng ghi nhận ở mức 96 tỷ đồng.
Áp lực bán đã quay trở lại và tập trung phần lớn trên lĩnh vực Tài chính và Bất động sản, dẫn dắt bởi hoạt động bán ròng trên SSI, STB, VCB, VIC, VHM, và KDH. Ngoài ra, Nguyên vật liệu tiếp tục chịu áp lực bán ròng từ khối ngoại, tập trung chủ yếu trên HPG. Ở chiều ngược lại, hoạt động mua ròng tiếp tục được duy trì trên TD thiết yếu, tập trung phần lớn trên VNM, MSN, và VHC.
Với dòng vốn ETF, dòng vốn tích cực tăng mạnh tại Đông Nam Á, ghi nhận ở mức 106 triệu USD. Cụ thể, dòng vốn tích cực đạt mức kỷ lục tại Việt Nam và hoạt động của dòng vốn vẫn duy trì ở mức ổn định tại Singapore. Tuy nhiên, Indonesia và Thái Lan tiếp tục chịu áp lực rút vốn trong tuần trước.
Dòng vốn tích cực tại Việt Nam đạt mức kỷ lục trong tuần trước, ghi nhận ở mức 115 triệu USD. Cụ thể, lực cầu chỉ tang mạnh trên Fubon FTSE Vietnam và VFMVN Diamond với giá trị vào ròng lần lượt 72,5 triệu USD và 40,2 triệu USD. Đáng chú ý, dòng vốn tích cực đã bắt đầu lan sang các ETF chủ đạo khác như VNFIN Lead, FTSE Vietnam, và VFMVN30, điều này hàm ý rằng dòng vốn đang ở mức ổn định.
Dòng vốn ròng ETF vào Việt Nam tuần giao dịch 16-20/5. |
Vốn ETF vào Việt Nam tích cực trong bối cảnh dòng vốn toàn cầu đang chịu áp lực lớn từ các động thái có phần quyết liệt của Fed và rủi ro về suy thoái kinh tế. Dòng vốn ghi nhận rút ròng ở tất cả các tài sản tài chính, từ thị trường cổ phiếu (rút ròng -22,4 tỷ USD, lần đầu tiên kể từ tháng 8/2020), các quỹ trái phiếu (-29,8 tỷ USD) và quỹ tiền tệ (-37,9 tỷ USD).
Dòng vốn cổ phiếu vào thị trường phát triển (DM) đảo chiều sang rút ròng -35,3 tỷ USD – mức rút ròng lần đầu tiên kể từ tháng 8/2021 do áp lực từ thị trường Mỹ. Dòng vốn vào Mỹ ghi nhận rút ròng -32,6 tỷ USD trong tháng 4, lần đầu tiền kể từ tháng 10/2020.
Trước đó, hầu hết các quỹ chủ động ngoại cũng đánh giá cao thị trường chứng khoán Việt Nam nhờ yếu tố vĩ mô ổn định, tăng trưởng doanh nghiệp tiếp tục được dự báo ở mức 20-25% so với năm 2022 là động lực cho thị trường tăng trưởng trong trung và dài hạn.