Vốn FDI từ Singapore liên tục tăng

(BĐT) - Theo số liệu cập nhật đến ngày 20/2/2017 của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đăng ký của các nhà đầu tư Singapore đầu tư vào Việt Nam là 881,68 triệu USD, dẫn đầu 61 quốc gia và vùng lãnh thổ trong 2 tháng đầu năm 2017. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Trong 2 tháng đầu năm 2017, Singapore có 20 dự án đăng ký mới với tổng vốn 441,37 triệu USD, 11 dự án tăng vốn với số vốn đăng ký tăng thêm là 389,8 tỷ đồng.

Lũy kế các dự án còn hiệu lực tính đến ngày 20/2/2017, số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Singapore tại Việt Nam là 1.827 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 39,43 tỷ USD, đứng thứ 3, sau Hàn Quốc và Nhật Bản.

Một số dự án FDI của Singapore có quy mô lớn đầu tư vào Việt Nam trong 2 tháng đầu năm có thể kể đến như: Dự án Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III tại Bình Dương có tổng vốn đầu tư gần 285 triệu USD với mục tiêu đầu tư, xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp; Dự án Sản xuất sợi lốp KVT-1 có vốn 220 triệu USD; Dự án Công ty CP Tetra Pak Bình Dương với 124 triệu USD; Dự án Nhà máy Sản xuất trang phục may mặc do Công ty TNHH Maple với tổng vốn đầu tư 110 triệu USD tại Bắc Ninh...

Dòng vốn FDI từ Singapore vào Việt Nam liên tục tăng từ năm 1998. Các nhà đầu tư Singapore chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản; nghệ thuật, vui chơi và giải trí; xây dựng...

Theo số liệu cập nhật đến ngày 20/3/2017, trong số các địa phương hấp dẫn các nhà đầu tư Singapore, TP.HCM là địa phương đứng đầu, có 952 dự án với 10,635 tỷ USD. Tiếp đó là Hà Nội, có 299 dự án và 5,813 tỷ USD; Quảng Nam có 8 dự án với 4,097 tỷ USD; Bình Dương có 215 dự án với 3,885 tỷ USD...

Đặc biệt, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) được xem là một trong những biểu tượng thể hiện tính hiệu quả hoạt động của các dự án đầu tư của Singapore tại Việt Nam. Mô hình VSIP đã hoạt động được hơn 11 năm với 7 khu công nghiệp, gồm: VSIP 1 và VSIP 2 tại Bình Dương, VSIP 3 tại Bắc Ninh (12/2007), VSIP 4 tại Hải Phòng (1/2010); VSIP 5 tại Quảng Ngãi (9/2013); VSIP 6 tại Hải Dương (8/2015) và VSIP 7 tại Nghệ An (9/2015).

Trong đó, VSIP 1 được biết đến như một trong những khu công nghiệp thành công nhất tại Việt Nam với 238 nhà đầu tư đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ đang hoạt động tại đây, thu hút hơn 2,6 tỷ USD, tạo việc làm cho 96.367 lao động. VSIP 2 (giai đoạn 2) đã thu hút khoảng 58 dự án đầu tư, lấp đầy 30% diện tích đất công nghiệp và tiến hành giao đất cho một số nhà đầu tư. Nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực sản xuất bao bì và thực phẩm của Mỹ, Nhật Bản đã hoàn thiện việc xây dựng nhà máy và đi vào hoạt động từ năm 2010 tại VSIP 2.

Để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai nước, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đang có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 21/3 đến ngày 24/3 theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, hai bên sẽ trao đổi các phương hướng chiến lược, biện pháp cụ thể nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược trong thời gian tới, bắt kịp với những chuyển biến nhanh chóng hiện nay của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hỗ trợ lẫn nhau phát triển bền vững, thịnh vượng, thúc đẩy hợp tác giữa hai nước tại các diễn đàn đa phương, trong đó có ASEAN, APEC, ASEM và Liên hợp quốc.

Trong chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Lý Hiển Long đến dự Lễ khánh thành Tòa nhà văn phòng 17 tầng Mapletree Business (MBC) hạng A tại Quận 7, TP.HCM do Tập đoàn Mapletree đầu tư; gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp Singapore tại TP.HCM…

Tin cùng chuyên mục