Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Theo thống kê của Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai (DIZA), tính đến ngày 4/3/2016, tức chỉ hơn hai tháng bước qua năm mới, Đồng Nai đã thu hút được 19 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư hơn 181 triệu USD và 2 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là 150 tỷ đồng.
Không chỉ dẫn đầu về dự án cấp mới, cùng thời gian trên, DIZA đã điều chỉnh cho 73 dự án, trong đó có 20 dự án thực hiện điều chỉnh tăng vốn với mức vốn tăng là hơn 301,6 triệu USD. Riêng các dự án trong nước, tuy có điều chỉnh cho 2 dự án, nhưng cả 2 dự án trên đều không có dự án nào tăng vốn.
Nhìn vào tổng số cấp mới và điều chỉnh tăng vốn như đã nói ở trên cho thấy, Đồng Nai vẫn là một tỉnh được nhiều nhà đầu tư nước ngoài tín nhiệm. Ông Nguyễn Tiến Sỹ, Trưởng ban DIZA cho biết, tình hình thu hút mới các dự án đầu tư tiến triển theo chiều hướng tốt. Với những gì mà DIZA đạt được từ đầu năm đến nay, Tỉnh hoàn thành cơ bản 47,82% kế hoạch đặt ra.
Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, nhìn chung, các dự án mới đều tập trung tại các khu công nghiệp Nhơn Trạch, Long Đức, Giang Điền, trong đó Khu công nghiệp Nhơn Trạch III giai đoạn 2 thu hút được 4 dự án với tổng vốn đăng ký là 64,14 triệu USD, chiếm 35,43% tổng vốn đầu tư thu hút. Các dự án mới có ngành nghề đa dạng, phù hợp định hướng thu hút của Tỉnh. Trong đó, có 5 dự án công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí và dệt may với vốn đầu tư đăng ký là 68 triệu USD, chiếm 37,5% tổng vốn đăng ký.
Ông Nguyễn Tiến Sỹ cho biết thêm, trong 19 dự án FDI mới, có 6 dự án có vốn đầu tư từ Đài Loan với số vốn đầu tư là 135,72 triệu USD, chiếm 74,9% tổng vốn đầu tư, dẫn đầu các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào các khu công nghiệp Đồng Nai đầu năm 2016. Ngoài ra, còn có 2 dự án lớn của Nhật Bản là Công ty TNHH Japan Best Foods với vốn đầu tư đăng ký là 14.702.184 USD và dự án Công ty TNHH Koikeya Việt Nam với vốn đầu tư đăng ký là 12.500.000 USD. Kế đó là 7 dự án có vốn đầu tư từ Hàn Quốc với vốn đầu tư 8,26 triệu USD...
Vẫn theo ông Nguyễn Tiến Sỹ, việc xây dựng và phát triển các khu công nghiệp đã tạo điều kiện huy động các nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn FDI; góp phần tăng trưởng kinh tế; tạo năng lực sản xuất mới, nguồn hàng hoá mới; tạo công ăn việc làm và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế Đồng Nai theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.