Vừa hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, vừa yểm trợ doanh nghiệp lớn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các chính sách thời gian tới không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn, mà còn phải yểm trợ, thúc đẩy doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có tiềm năng, tạo đà phát triển bứt phá sau đại dịch, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Ngược lại, doanh nghiệp cần nhanh nhạy tái cấu trúc để nắm được cơ hội.
Cộng đồng doanh nghiệp mong Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ theo hướng dễ tiếp cận và hiệu quả hơn . Ảnh: Lê Tiên
Cộng đồng doanh nghiệp mong Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ theo hướng dễ tiếp cận và hiệu quả hơn . Ảnh: Lê Tiên

Đó là chia sẻ của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Lễ công bố “Báo cáo Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam: Một số phát hiện chính từ điều tra doanh nghiệp năm 2020” diễn ra cuối tuần qua.

Theo khảo sát mới được công bố của VCCI, đa số doanh nghiệp đánh giá các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với khó khăn do đại dịch Covid-19 đã được Chính phủ ban hành, thực hiện là hữu ích. Trong đó, các chính sách gia hạn về thuế dễ tiếp cận nhất, chính sách vay tín dụng lãi suất 0% trả lương cho lao động là khó tiếp cận nhất. Cộng đồng doanh nghiệp có sự ủng hộ cao với các biện pháp chống dịch của Chính phủ và cho rằng các chính sách còn nhiều dư địa để cải thiện tính hiệu quả.

VCCI cho biết, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo hướng dễ tiếp cận và hiệu quả hơn. Nghiên cứu miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để vực dậy các doanh nghiệp khó khăn; gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế thu nhập của hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, nghiên cứu giảm chi phí điện, nước, xăng dầu và các loại giá/phí thuê đất do Nhà nước quản lý. Song song với đó, doanh nghiệp mong muốn được cung cấp thông tin các gói hỗ trợ hiệu quả hơn. Nghiên cứu áp dụng thêm một số biện pháp mà các quốc gia khác hiện đang áp dụng như hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp duy trì được tỷ lệ người lao động cao; hỗ trợ chi phí đào tạo nâng cao tay nghề, trình độ cho người lao động.

Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, cần thiết có tầm nhìn dài hạn hơn về phát triển công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ. Cần xây dựng chính sách phát triển công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ theo hướng bớt lệ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài, giảm tình trạng gia công đã kéo dài quá lâu, mặt khác cũng tạo thêm giá trị gia tăng và vị thế tốt hơn của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu. Hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đổi mới sáng tạo với những chính sách theo hướng tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tư nhân Việt trụ lại được và có khả năng vượt lên sau dịch Covid-19, đặc biệt về đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh mới.

VCCI khuyến nghị các bộ, ngành có liên quan cần nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ ban hành các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và mở rộng đầu tư kinh doanh cho giai đoạn mới 2021 - 2025 trong tình hình dịch bệnh vẫn còn kéo dài.

Theo ông Shawn W. Tan - chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB), những khảo sát của WB đối với doanh nghiệp cho thấy, chính sách hỗ trợ được hưởng nhiều nhất là giãn, giảm thuế và nhiều doanh nghiệp mong muốn được tiếp tục hỗ trợ thời gian tới, thủ tục đơn giản hơn, mở rộng điều kiện được hưởng. Doanh nghiệp cũng mong muốn được hỗ trợ để tiếp cận đổi mới sáng tạo có chiều sâu hơn, bởi thực tế nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh áp dụng số hóa nhưng mới ở công đoạn bán hàng, chưa áp dụng được vào những công đoạn phức tạp hơn…

Từ thực tế một doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may chịu nhiều tác động của dịch bệnh, ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG - chia sẻ, doanh nghiệp có niềm tin vào chính sách của Đảng và Nhà nước, nếu ban hành đồng bộ, thực thi tốt, doanh nghiệp sẽ vực dậy được. Mặt khác, ông Thời cho rằng, doanh nghiệp cũng cần phải chủ động tái cấu trúc, nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu của thị trường, thay đổi mô hình sản xuất, chiến lược kinh doanh, thị trường, cách thức quản trị rủi ro...

Tin cùng chuyên mục