Vùng Đồng bằng sông Hồng: Phải bứt phá đi đầu, dẫn dắt và lan tỏa phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Khẳng định vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng để đóng góp hơn nữa cho sự phát triển đất nước trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng yêu cầu, Quy hoạch vùng ĐHSH phải làm sao để vùng bứt phá đi đầu, dẫn dắt, lan tỏa. Vùng này cùng với vùng Đông Nam Bộ sẽ phải trở thành bệ đỡ cho tăng trưởng của vùng nói riêng và đất nước nói chung.
Vùng Đồng bằng sông Hồng: Phải bứt phá đi đầu, dẫn dắt và lan tỏa phát triển

Chiều 18/8, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì cuộc họp bàn về Khung định hướng Quy hoạch vùng ĐBSH thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Viện Chiến lược phát triển lần đầu trình bày những ý tưởng sơ thảo nhất cho Dự thảo Khung định hướng Quy hoạch vùng ĐBSH thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, vùng ĐBSH gồm 11 tỉnh, thành phố, có diện tích tự nhiên 21.278,6 km vuông, chiếm 6,42% diện tích của cả nước. Tuy nhiên, đây là vùng có quy mô dân số lớn, chiếm 23,6% số dân của cả nước và đóng góp 29,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), lớn thứ 2 sau vùng Đông Nam Bộ.

Trong giai đoạn vừa qua, vùng luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh, đi đầu trong công nghiệp hóa - hiện đại hóa, kết cấu hạ tầng vùng đã được đầu tư phát triển mạnh.

Tuy nhiên, vùng đang đối mặt với những vấn đề cần giải quyết như tăng trưởng chưa dựa vào tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, môi trường không khí tại nhiều đô thị lớn vẫn tiếp tục bị ô nhiễm; còn khoảng cách phát triển lớn giữa các tiểu vùng và các địa phương…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, Bộ Chính trị đã ban hành 6 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của 6 vùng trong cả nước. Trong đó, định hướng phát triển vùng đã được quán triệt rõ tại Nghị quyết 30-NQ/TW 2022 của Bộ Chính trị và nhiệm vụ của Khung định hướng Quy hoạch là phải cụ thể hóa bằng các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn, tổ chức không gian phát triển, bố trí các ngành phát triển ở đâu, hạ tầng đi theo như thế nào; giải quyết vấn đề liên kết giữa các vùng, nội vùng, tạo động lực tăng trưởng mới.

Tại vùng ĐBSH, Hà Nội được coi là hạt nhân, trung tâm của vùng; cùng với các địa phương liên quan (tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển hơn nữa; để xứng tầm với vị thế là vùng bứt phá đi đầu, dẫn dắt, lan tỏa phát triển. Đây là cơ hội sắp xếp, định vị lại không gian phát triển, bố trí và phân bổ các nguồn lực để làm sao tổ chức, tạo nên động lực mới, không gian mới, đưa các địa phương trong vùng phát triển nhanh và bền vững.

Nhận diện về những điểm nghẽn trong phát triển ĐBSH, TS. Cao Viết Sinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, vùng có thực trạng đất chật người đông, thiếu đất để phát triển công nghiệp; phát triển chưa bền vững, có sự chênh lệch trong phát triển giữa khu vực Bắc sông Hồng và Nam sông Hồng, nhiều nơi phát triển phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài nên thiếu bền vững; phát triển đô thị không hợp lý, hạ tầng quá tải…

Chuyên gia này cho rằng, bên cạnh mức phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 9%/năm, cần đặt rõ các chỉ tiêu tăng trưởng cho vùng động lực trong vùng ĐBSH, vùng Thủ đô... để xác định rõ mục tiêu phấn đấu.

TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, cần nhận xét, đánh giá thêm về hiệu quả liên kết các tỉnh, thành trong vùng thời gian qua. Khi xây dựng quan điểm, mục tiêu phát triển vùng, nên có cơ chế đặc thù cho vùng; khi đặt vấn đề phát triển, cần xác định rõ một số trục giao thông sẽ phát triển hành lang kinh tế tiểu vùng hay là phát triển đô thị bên cạnh trục giao thông lớn, từ đó địa phương trong vùng có định hướng cụ thể để phát triển.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì cuộc họp bàn về Khung định hướng Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng chiều 18/8 (Ảnh Đức Trung)

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì cuộc họp bàn về Khung định hướng Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng chiều 18/8 (Ảnh Đức Trung)

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, việc lập Quy hoạch vùng ĐBSH còn nhiều vòng, nhiều cấp lấy ý kiến. Trước mắt, Bộ trưởng yêu cầu đơn vị tư vấn lập quy hoạch cần tiếp tục phân tích, làm rõ thêm nhiều vấn đề để hoàn thiện Báo cáo Khung định hướng chất lượng hơn. Theo đó, cần làm rõ hơn hiện trạng, bằng số liệu để thấy được hạn chế, thách thức trong thời gian qua, điểm nghẽn chính cho phát triển là gì.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặt vấn đề, một trong những định hướng phát triển vùng được đưa ra trong Nghị quyết 30-NQ/TW là vùng đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế vùng, vậy Khung định hướng phải làm rõ để thấy được mối quan hệ trong phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ theo hướng giảm quỹ đất và tăng giá trị, đó chính là đổi mới… Phải dựa vào đâu, làm cái gì để theo định hướng này? Các vấn đề tắc nghẽn giao thông đô thị, an ninh nguồn nước, chênh lệch phát triển giữa vùng Bắc và Nam sông Hồng, vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh chưa phát triển, chưa thành chuỗi… cũng phải được phân tích rõ hơn.

Quan điểm phát triển, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cũng cần làm rõ và sâu sắc hơn các vấn đề như: tổ chức không gian phát triển, các hành lang kinh tế; hài hòa trong việc phát triển và bảo tồn các giá trị văn hóa, xã hội của vùng; xây dựng, nâng cấp, cải tạo và khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt đô thị, nhất là kết nối với các đô thị vệ tinh…