Vùng Tây Nguyên dự kiến nhu cầu vốn năm 2021 gần gấp đôi năm 2020

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tổng nhu cầu kế hoạch năm 2021 của vùng Tây Nguyên là 24.399,75 tỷ đồng, tăng 1,98 lần so với kế hoạch năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ giao (năm 2020 không bao gồm CTMTQG là 12.333,197 tỷ đồng).
Ảnh internet
Ảnh internet

Cụ thể, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương dự kiến là 12.440 tỷ đồng, gấp 1,64 lần so với kế hoạch 2020 (7.568 tỷ đồng). Trong đó riêng nguồn thu xổ số kiến thiết dự kiến là 1.576 tỷ đồng, gấp 1,14 lần so với kế hoạch 2020 (1.386 tỷ đồng); nguồn từ tiền thu sử dụng đất dự kiến là 4.892 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với kế hoạch 2020 (2.480 tỷ đồng);...

Bên cạnh đó, Vùng Tây Nguyên đề xuất vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương trong nước (không bao gồm vốn CTMTQG) dự kiến là 8.328,84 tỷ đồng, gấp 3,03 lần so với kế hoạch 2020 (2.748,562 tỷ đồng). Vốn ngoài nước dự kiến là 3.520,09 tỷ đồng, gấp 1,75 lần so với kế hoạch 2020 (2.017 tỷ đồng).

Như vậy, Bộ KH&ĐT đề xuất các địa phương trong Vùng trước mắt trong điều kiện nền kinh tế đang gặp trở ngại do dịch bệnh Covid-19 gây ra, cần rà soát kỹ các chương trình, dự án dự kiến đầu tư triển khai ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2025. Rà soát và báo cáo đối với các dự án nợ đọng xây dựng cơ bản chưa bố trí thanh toán theo đúng quy định của Luật Đầu tư công năm 2019.

Các địa phương tập trung bố trí vốn cho các dự án hoàn thành, chuyển tiếp còn thiếu vốn từ giai đoạn 2016 - 2020 chưa bố trí đủ để đảm bảo thời gian hoàn thành theo quy định.

Đối với các dự án ODA, đề nghị ưu tiên bố trí vốn cho dự án đã cam kết với nhà tài trợ, hiệp định đã ký mà thời gian thực hiện còn lại trong năm 2021 theo khả năng thực hiện và giải ngân dự án.