Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn |
Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Trần Chí Cường - đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng nêu vấn đề, Luật Ngân sách nhà nước và các quy định của pháp luật chuyên ngành có những quy định về việc sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động của bộ máy, tuy vậy, tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công có nội dung quy định tính chất của dự án đầu tư công.
Với nội dung quy định như tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công dẫn tới cách hiểu cho rằng toàn bộ các dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, mua sắm tài sản, sửa chữa... đều phải sử dụng nguồn vốn đầu tư công, dẫn tới chồng lấn với các quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định của pháp luật chuyên ngành khác trong việc sử dụng chi thường xuyên để mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản công.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, đây là một vướng mắc và cần có sự giải thích của Thường vụ Quốc hội để các bộ, ngành và các địa phương triển khai thực hiện một cách chính xác. Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Điều 6 Luật Đầu tư công quy định, kể cả xây dựng mới, kể cả nâng cấp, sửa chữa và mở rộng về tài sản công đều được xác định là đầu tư công trung hạn và đầu tư công hàng năm. “Nếu những chương trình, dự án và các nguồn kinh phí không được đưa vào Luật Đầu tư công mặc dù vẫn là ngân sách nhà nước nhưng sẽ sai quy định. Hiện nay thế nào là chi thường xuyên, thế nào là chi đầu tư vẫn đang bị bế tắc và thực tế đã tạo nên sự vướng mắc trong quá trình thực hiện”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Làm rõ hơn vấn đề liên quan đến sử dụng kinh phí chi thường xuyên để thực hiện các khoản chi có tính chất đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, Luật Đầu tư công ban hành năm 2014, được sửa đổi năm 2019; lần sửa đổi năm 2019 hoàn toàn không có các nội dung liên quan đến vấn đề này.
Bên cạnh đó, Luật Ngân sách nhà nước ban hành năm 2015. Hai luật này sau khi được ban hành, Bộ Tài chính cũng đã ban hành rất nhiều thông tư hướng dẫn, tạo hành lang pháp lý rõ ràng. Qua đó để các bộ, ngành và địa phương sử dụng nguồn chi thường xuyên để thực hiện việc sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất...
Theo đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 52, Thông tư 108, đặc biệt là Thông tư số 92 năm 2017 hướng dẫn chi tiết việc lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí để sửa chữa, bảo trì, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất từ nguồn chi thường xuyên.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh. Ảnh: quochoi.vn |
Theo Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh, ngày 29/7/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 65 có hiệu lực từ ngày 15/9/2021. Thông tư này không điều chỉnh các vấn đề về việc sử dụng nguồn chi thường xuyên cho xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng tài sản nhưng lại bãi bỏ Thông tư 92 năm 2017 kể từ ngày 15/9/2021.
Đặc biệt, trong năm 2022, các địa phương, các bộ, ngành đều vướng mắc. Trong đó, vướng mắc quan trọng là do không có cơ sở pháp lý, không có căn cứ để lập dự toán, thanh toán cũng như thực hiện các khoản liên quan đến chi từ nguồn thường xuyên cho các hạng mục có tính chất đầu tư như sửa chữa nhỏ, nâng cấp, mở rộng...
Tại các phiên giải trình của Kỳ họp thứ 5, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính luôn khẳng định nguyên nhân dẫn vướng mắc nghiêm trọng này là do quy định tại Khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư công.
Dẫn lại quy định này, Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh nhấn mạnh, Điều 6 Luật Đầu tư công chỉ nhằm phân loại dự án chứ không phải định nghĩa dự án đầu tư công. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã khẳng định, Điều này không cấm việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên để chi cho các khoản có tính chất đầu tư.
Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh nêu rõ, để giải quyết vướng mắc này có thể đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích pháp luật theo đúng quy định của Chương 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Từ đó, Bộ Tài chính có căn cứ sửa lại như Thông tư của Bộ.