Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tin tưởng sẽ có một sự khởi đầu cho làn sóng phát triển mới của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên |
Thị trường đầu tư đầy hấp dẫn
Một trong những điểm nhấncủa VVS 2020 là đã có 33 quỹ đầu tư trong và ngoài nước đã cam kết đầu tư với tổng số vốn 815 triệu USD vào hoạt động đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) tại Việt Nam. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đây là kết quả thành công ấn tượng, bởi so với năm 2019, số lượng nhà đầu tư cam kết tại VVS 2020 tăng gấp rưỡi, số tiền đầu tư tăng gấp đôi cho dù dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về bức tranh cộng đồng startup Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhìn nhận có nhiều điểm sáng đáng lưu ý. “Trước đây, phần nhiều dịch vụ của các startup nước ngoài thu hút người dùng nước ta như: Uber, Grab... nhưng gần đây ứng dụng dịch vụ công nghệ gọi xe của các doanh nghiệp Việt Nam đã lên top đầu. Trước đây, khi nói về thương mại điện tử, phần nhiều nói về các công ty nước ngoài, nhưng hiện nay chúng ta có những công ty lớn của Việt Nam đứng vào top đầu như: Tiki, Sendo…”, Phó Thủ tướng đánh giá.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2019 là năm tăng trưởng mạnh mẽ của startup Việt Nam với các thương vụ đầu tư công nghệ lớn, giá trị đạt hơn 800 triệu USD. Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã tác động nặng nề lên hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp startup. Tuy vậy, trong khi nhiều mô hình khởi nghiệp gặp bất lợi thì một số mô hình kinh doanh và công nghệ mới lại trở nên hấp dẫn với sự tăng trưởng vượt bậc.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, bà Lê Hàn Tuệ Lâm, Giám đốc khu vực Quỹ đầu tư Nextrans chia sẻ: “Các quỹ đầu tư đang nhìn thấy cơ hội lớn tại thị trường khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam. Đây chính là lý do mà dòng vốn từ các quỹ đầu tư đang đổ vào Việt Nam”. Theo bà Lâm, một minh chứng cho thấy thị trường đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam rất hấp dẫn nhà đầu tư là từ năm 2017 đến nay, số lượng các quỹ ngoại gia nhập thị trường cũng như lượng vốn mà họ đổ vào mỗi thương vụ tăng lên rõ rệt. “Nếu như trước đây, quy mô một thương vụ chỉ tầm 1 - 2 triệu USD thì nay đã lên tới vài trăm triệu USD”, bà Lâm cho biết.
Cơ hội để “bắt kịp, đi cùng và vượt lên”
Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu rất quan trọng, toàn diện trên hầu hết lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật và được đánh giá rất cao bởi cộng đồng quốc tế.
Việt Nam quyết tâm thực hiện chủ trương đổi mới, cải cách và phát triển, chủ động và tích cực cơ cấu lại nền kinh tế hướng tới nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, coi đổi mới, sáng tạo là một động lực quan trọng, là chìa khóa của tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững.
Theo Bộ trưởng, Nghị quyết số 52-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng đã khẳng định chủ trương phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Hiện Bộ KH&ĐT đang chủ trì xây dựng Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, trong đó xác định hai trụ cột quan trọng tạo động lực bứt phá cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới. Đó là khoa học công nghệ, ĐMST và phát triển con người. Dự thảo Chiến lược cũng đã xác định định hướng hoàn tất quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế, xây dựng, hoàn thiện, thử nghiệm khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số...
Cùng với với việc triển khai về cơ chế chính sách, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, hiện Bộ tiếp tục chuẩn bị nguồn nhân lực chuyên gia tham gia vào các hoạt động ĐMST.
Với tầm nhìn và sự quyết liệt của Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng sẽ có một sự khởi đầu cho làn sóng phát triển mới của hệ sinh thái ĐMST Việt Nam. “Đây là thời điểm Việt Nam sẽ tập trung thúc đẩy năng lực sáng tạo, đưa khoa học công nghệ và ĐMST trở thành động lực của phát triển kinh tế nhanh và bền vững, có thể thực sự “bắt kịp, đi cùng, vượt lên” về ĐMST và phát triển kinh tế trong thời kỳ hậu Covid-19”.