VVS2022: Làm rõ bức tranh về dòng chảy đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thế giới và Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2022 (VVS2022) với chủ đề "Dịch chuyển dòng vốn toàn cầu" tổ chức ngày 19/12, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, sự kiện là cơ hội để làm rõ bức tranh về dòng chảy đầu tư khởi nghiệp sáng tạo trên thế giới và tại Việt Nam, thông qua đó làm rõ những lĩnh vực công nghệ thu hút đầu tư, cũng như đề xuất các chính sách, giải pháp thúc đẩy hơn nữa hoạt động đầu tư đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chủ đề của Diễn đàn năm nay là “Dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu” để phản ánh sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư quốc tế. “Sự dịch chuyển đó không chỉ là dòng vốn mà còn là dòng chảy của tri thức, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chính tri thức, công nghệ trong các sản phẩm, dịch vụ được tạo nên từ quá trình đổi mới sáng tạo sẽ là thước đo giá trị cho hoạt động đầu tư tài chính”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng đại diện các bộ ngành tham quan, lắng nghe chia sẻ của các startup tiêu biểu về sản phẩm đổi mới sáng tạo ngày 19/12/2022. Ảnh: Việt Anh

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng đại diện các bộ ngành tham quan, lắng nghe chia sẻ của các startup tiêu biểu về sản phẩm đổi mới sáng tạo ngày 19/12/2022. Ảnh: Việt Anh

Theo đó, Bộ trưởng đề nghị Diễn đàn trao đổi sâu hơn, toàn diện hơn về dòng chảy giá trị, bao gồm cả tri thức, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn vốn trên thị trường, để thấy được những xu hướng, thách thức và cả cơ hội của khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam nằm trong bối cảnh chung của khu vực và toàn cầu.

Lãnh đạo Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư tin tưởng, thông qua Diễn đàn, các nhà đầu tư và cộng đồng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sẽ tìm được những kết nối mới, cơ hội mới và quan trọng hơn là nhìn thấy Việt Nam như một điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư.

Thông tin đưa ra tại Diễn đàn cho thấy, năm 2022, trong bối cảnh xu hướng đầu tư toàn cầu có nhiều thay đổi sâu sắc do chịu ảnh hưởng từ những biến động địa chính trị và khả năng suy thoái hiện hữu tại nhiều nền kinh tế lớn, sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư đã và đang diễn ra mạnh mẽ giữa các khu vực và quốc gia, trong đó các cơ hội đầu tư đang càng trở nên khó khăn hơn đối với cả startups và nhà đầu tư.

Theo phân tích của Crunchbase News, tổng vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu trong quý III/2022 đạt 81 tỷ USD, giảm 90 tỷ USD (53%) so với cùng kỳ năm trước và giảm 40 tỷ USD (33%) so với quý trước. Tại Đông Nam Á, thị trường đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thu hút 3,72 tỷ USD trong quý III/2022, giảm lần lượt 36,4% và 22% so với cùng kỳ năm 2021 và quý II/2022.

Đoàn đại biểu tham dự Diễn đàn nghe các startup Việt tiêu biểu chia sẻ về những sản phẩm đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Ảnh: Việt Anh

Đoàn đại biểu tham dự Diễn đàn nghe các startup Việt tiêu biểu chia sẻ về những sản phẩm đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Ảnh: Việt Anh

Mặc dù tổng giá trị đầu tư giảm sút, song thị trường Đông Nam Á vẫn được đánh giá là tiềm năng nhờ một số yếu tố chính như: Tốc độ tăng trưởng của khu vực dự kiến duy trì ở mức 4 - 5%/năm; quy mô thị trường lớn với 680 triệu dân; mức độ phủ internet sâu rộng, tổng giá trị hàng hóa của kinh tế số dự đoán đạt 200 tỷ USD trong năm 2022, sớm 3 năm so với các dự đoán trước đó.

Đông Nam Á tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng về số lượng người dùng Internet với 20 triệu người dùng mới vào năm 2022, nâng tổng số người dùng Internet lên 460 triệu người. Trong đó, Việt Nam hiện được đánh giá là viên ngọc quý mới nhất của Đông Nam Á với sự trỗi dậy là kết quả từ sức hấp dẫn của thị trường với các nhà đầu tư, cũng như sự hỗ trợ từ phía Chính phủ với hệ sinh thái khởi nghiệp.

Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu cũng như trong nước vẫn có những diễn biến phức tạp, song các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã huy động được mức kỷ lục 1,4 tỷ USD trên 165 giao dịch, tăng 1,6 lần so với mức 894 triệu USD và 126 giao dịch vào năm 2019. Điều này cho thấy hoạt động giao dịch trên thị trường đã được cải thiện đáng kể, lấy lại động lực sau khi sụt giảm do đại dịch Covid-19.

Dự báo về triển vọng thu hút đầu tư vào lĩnh vực này trong năm 2023, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cũng như các đại biểu tham dự sự kiện cho biết, khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Tin cùng chuyên mục