WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với rủi ro tiêu cực liên quan đến các biến chủng mới phát sinh, tác động toàn cầu của xung đột Nga - Ukraine, giá cả hàng hóa thế giới tăng và sự tăng trưởng chậm lại của các thị trường xuất khẩu chủ lực.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Sáng 5/4/2022, WB tổ chức họp báo trực tuyến ra mắt Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương kỳ tháng 4/2022 với chủ đề "Đương đầu bão tố".

Ông Aaditya Mattoo - Chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB - nhận định, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mà WB đã phải điều chỉnh giảm mạnh các chỉ tiêu dự báo về tăng trưởng.

Cụ thể, tháng 10/2021, WB dự báo Việt Nam tăng trưởng trong năm 2022 ở mức 6,5%, nhưng đến nay dự báo chỉ còn 5,3% và sau đó sẽ ổn định lại quanh mức 6,5% vào các năm sau. Tuy nhiên, đó chỉ là kịch bản cơ bản, xấu hơn nữa là kịch bản dự báo có thể chỉ còn 4,4%, phục hồi lại 6% và 6,5% lần lượt vào các năm 2023 và 2024.

Theo ông Aaditya Mattoo, lý do hạ triển vọng tăng trưởng là bởi những khó khăn mà Việt Nam gặp phải khi đối phó với biến chủng Omicron, dẫn tới số lượng các ca nhiễm mới tăng rất cao. Việt Nam cũng chịu tác động lớn bởi giá dầu tăng. Đó là chưa kể tới việc nhập khẩu các loại nguyên vật liệu khác như sắt, thép... bị ảnh hưởng lớn khi giá nhập khẩu trở nên đắt hơn. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chế biến, chế tạo được dự báo sẽ tăng với tốc độ chậm hơn do tăng trưởng ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc) chững lại…

WB nhận định, triển vọng trên còn phải đối mặt với những rủi ro tiêu cực đang gia tăng. Tăng trưởng chậm lại ở các đối tác thương mại chính cùng với cú sốc tỷ giá do xung đột Nga - Ukraine và các biện pháp trừng phạt liên quan có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi. Các yếu tố này có thể bị trầm trọng hơn nếu phát sinh biến chủng Covid-19 mới. Phục hồi kinh tế còn phụ thuộc vào tốc độ phục hồi nhu cầu tư nhân trong nước, hiện còn tương đối chậm, thể hiện tâm lý thận trọng của người tiêu dùng và nhà đầu tư. Giai đoạn lây nhiễm mạnh hiện nay có thể dẫn đến tạm thời gián đoạn cung lao động và sản xuất.

WB khuyến nghị, vì nền kinh tế đã phục hồi nhanh từ đầu năm, nên nếu chính phủ triển khai gói hỗ trợ mạnh mẽ bằng chính sách tài khóa thì tác động đến tăng trưởng kinh tế có thể được giảm nhẹ. Chính sách tiền tệ vẫn cần nới lỏng, nhưng phải tiếp tục thận trọng nhằm kiềm soát rủi ro trong khu vực tài chính.

“Mặc dù Việt Nam cũng được ghi nhận là một trong những quốc gia dành được nhiều lợi thế nhất, tận dụng được nhiều nhất các cơ hội để mở rộng thương mại toàn cầu, song chính điều đó lại khiến cho Việt Nam dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc từ bên ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam phải thành công hơn nữa trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội”, WB lưu ý.

Tin cùng chuyên mục