Xây đắp tinh thần kinh doanh, khát vọng làm giàu chân chính

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp (DN) đã và đang phải đối mặt, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng, thách thức cũng chính là cơ hội để DN, doanh nhân đổi mới, trở nên mạnh mẽ hơn, tạo các liên kết hợp tác phát triển bền vững, xây dựng thương hiệu Việt, hàng hoá Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường trong nước và toàn cầu.
Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân sẽ tạo sức mạnh cho thương hiệu Việt hội nhập quốc tế, mở rộng liên kết hợp tác trên tinh thần cùng thành công, cùng thắng. Ảnh: Tuấn Ngọc
Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân sẽ tạo sức mạnh cho thương hiệu Việt hội nhập quốc tế, mở rộng liên kết hợp tác trên tinh thần cùng thành công, cùng thắng. Ảnh: Tuấn Ngọc

Lan tỏa khát vọng phát triển

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: “Mỗi doanh nhân phải nhận thức rõ vai trò trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đoàn kết, hợp tác với công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh. Trong xây dựng DN, doanh nhân cần hướng đến việc khơi dậy, khuyến khích, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, khát vọng làm giàu chân chính”.

Không chỉ tạo ra tỷ phú, mà cần tạo ra tập đoàn kinh tế lớn có tiềm lực mạnh, khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, sở hữu công nghệ tiên tiến, công nghệ lõi, hoạt động tầm đa quốc gia. Chủ tịch nước mong rằng, cộng đồng DN, doanh nhân sẽ tạo sức mạnh cho thương hiệu Việt hội nhập quốc tế, mở rộng liên kết hợp tác trên tinh thần cùng thành công, cùng thắng.

Để phát triển lành mạnh, bền vững, theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, trước tiên, doanh nhân phải nhận thức sâu sắc việc tuân thủ pháp luật, luôn đặt lợi ích của DN, cá nhân gắn liền với lợi ích của đất nước, của cộng đồng. Chủ tịch nước chia sẻ, việc xử lý sai phạm đối với một số DN, cá nhân thời gian qua cho thấy yêu cầu đề cao thượng tôn pháp luật là việc bắt buộc phải làm để môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, công bằng, minh bạch hơn cho DN, để lợi ích chính đáng thuộc về người làm ra.

Góp sức tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bền vững, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, việc xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà VCCI đặt ra trong thời gian tới. Ông cũng cho rằng, đạo đức là yếu tố cốt lõi trong phát triển của các DN nếu muốn đi bền trên thương trường.

Các DN hàng đầu liên kết lại là thực sự cần thiết trong bối cảnh môi trường kinh doanh ngày càng khốc liệt. Sự liên kết từ những DN lớn sẽ thúc đẩy sự liên kết giữa các nhóm DN, dẫn dắt các DN nhỏ và vừa cùng phát triển.

Thực tế, để xây dựng được thước đo đạo đức, VCCI đã công bố và phát động thực hiện 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, gồm: Tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; Tuân thủ pháp luật; Minh bạch, công bằng, liêm chính; Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình. “Đạo đức và văn hóa phải trở thành sức mạnh mềm, soi đường và tiếp sức cho doanh nhân, doanh nghiệp trong khát khao xây dựng vị thế và uy tín bền vững”, ông Phạm Tấn Công nói.

Tạo nên mối liên kết lớn

Trong diễn biến mới nhất, ngày 26/4/2023, VCCI ra mắt Hội đồng DN hàng đầu Việt Nam với 21 thành viên đầu tiên. Ông Trần Bá Dương, đồng Chủ tịch Hội đồng DN hàng đầu Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Thaco cho rằng, mỗi thành viên của Hội đồng không chỉ phát triển tốt nhất DN của mình, mà còn phải nêu gương, xây dựng và lan tỏa đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh, phát triển bền vững, nâng cao trách nhiệm xã hội. Cùng với đó, cần thực hiện vai trò dẫn dắt trong từng ngành, lĩnh vực và trong cộng đồng DN Việt Nam. “Tất cả thành viên Hội đồng phải đoàn kết và nỗ lực hết mình vì sự phát triển của cộng đồng DN và vì một quốc gia thịnh vượng, với mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, văn minh, hạnh phúc vào năm 2045”, ông Dương khích lệ.

Cùng với Thaco, 21 thành viên đầu tiên tham gia Hội đồng DN hàng đầu là những tên tuổi lớn như FPT, BIDV, BRG, Geleximco, VNPT, Tập đoàn TH, Tập đoàn Phú Thái, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, PNJ, CMC, Tổng công ty Kinh Bắc, Tập đoàn Doji, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty CP Đồng Tâm, Viettravel, Hanel, Tập đoàn TBS... Chủ tịch FPT Trương Gia Bình giữ vai trò đồng Chủ tịch Hội đồng.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Lê Trọng Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm cho rằng, các DN hàng đầu liên kết lại là thực sự cần thiết trong bối cảnh môi trường kinh doanh ngày càng khốc liệt. Sự liên kết từ những DN lớn sẽ thúc đẩy sự liên kết giữa các nhóm DN, dẫn dắt các DN nhỏ và vừa cùng phát triển. Với Công ty Tùng Lâm, ông Lê Trọng Thanh cho biết, bước qua đại dịch Covid-19, doanh thu của Công ty đã phục hồi được khoảng 70% so với thời điểm trước dịch. Tuy vậy, hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ các yếu tố bên trong và bên ngoài. Để trở lại đường băng tăng trưởng, ông Thanh cho rằng, mỗi DN cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, bởi không ai hiểu DN bằng chính DN. Tuy nhiên, muốn lớn mạnh vượt lên thì các DN phải đi cùng nhau. “Trên thực tế, DN trong ngành vẫn hoạt động khá rời rạc, chưa có sự kết nối. Muốn tạo sự kết nối, rất cần có vai trò dẵn dắt của những con “sếu đầu đàn” là khối các DN đầu ngành”, ông Thanh nói.

Ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc Chi nhánh VCCI tại Thanh Hóa thì chia sẻ, môi trường càng nhiều khó khăn, thách thức, càng cần những kết nối chặt chẽ của cộng đồng kinh doanh. Cũng theo ông Hiệu, việc cần nhất của VCCI và các hiệp hội ngành nghề là tiếp tục kết nối, lắng nghe DN và tham gia sâu hơn vào công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, để doanh nhân, DN thuộc mọi thành phần kinh tế có cơ hội phát triển bình đẳng.

Tin cùng chuyên mục